Gout là bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin khiến axit uric tích tụ trong máu, hình thành các tinh thể lắng đọng ở khớp, gây đau, viêm. ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết bên cạnh khám điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người mắc bệnh gout cần hạn chế thực phẩm giàu purin, uống nhiều nước, duy trì lối sống khoa học để kiểm soát bệnh. Trong đó, nước dừa là một trong những thức uống mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ điều trị gout.
Nước dừa cung cấp kali, magie, vitamin C, các chất điện giải tự nhiên. Với thành phần giàu dưỡng chất và đặc tính chống viêm, nước dừa mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh gout nếu sử dụng đúng cách và liều lượng phù hợp.
Hỗ trợ đào thải axit uric
Nước dừa có tính lợi tiểu nhẹ, tăng lượng nước tiểu, từ đó hỗ trợ đào thải axit uric ra khỏi cơ thể. Khi axit uric được loại bỏ tốt hơn qua đường tiết niệu, nguy cơ hình thành tinh thể muối urat ở khớp giảm, giúp cải thiện triệu chứng gout.
Bù điện giải và giữ cân bằng pH
Nước dừa chứa nhiều khoáng chất kali và bicarbonate có thể duy trì độ pH ổn định trong cơ thể. Môi trường kiềm nhẹ sẽ trung hòa axit uric, hạn chế tình trạng kết tinh. Với người bệnh gout đang dùng thuốc lợi tiểu, bù điện giải từ nước dừa cũng ngăn ngừa tình trạng hạ kali máu.
![]() |
Nước dừa có lợi cho người bệnh gout khi dùng đúng cách. Ảnh: Trọng Nghĩa |
Chống viêm tự nhiên
Một số hợp chất chống oxy hóa và enzyme trong nước dừa có thể giảm viêm nhẹ ở các khớp bị ảnh hưởng bởi gout. Dù không thay thế được thuốc điều trị, nhưng nước dừa hỗ trợ làm dịu cơn đau, hạn chế tái phát khi kết hợp với chế độ ăn phù hợp.
Hạn chế uống nước ngọt có gas hoặc bia
Thay vì dùng các loại đồ uống chứa fructose hoặc cồn - hai yếu tố làm tăng axit uric, người bệnh gout có thể dùng nước dừa như một lựa chọn thay thế. Nước dừa không chứa purin, ít đường, giảm cảm giác thèm đồ uống có hại.
Hỗ trợ chức năng thận
Người mắc gout thường có nguy cơ suy giảm chức năng thận do axit uric lắng đọng lâu ngày. Uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có lợi như nước dừa, giúp thận hoạt động, lọc máu, bài tiết chất thải hiệu quả hơn.
Bác sĩ Duy Tùng khuyến nghị người bệnh không nên lạm dụng nước dừa. Với người bệnh gout, lượng nước dừa lý tưởng là một trái nhỏ mỗi ngày, dùng vào buổi sáng hoặc trưa. Tránh uống vào buổi tối để hạn chế lợi tiểu ban đêm. Người có bệnh lý kèm theo như tiểu đường, rối loạn điện giải, suy thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nước dừa.
Người bệnh gout cần hạn chế đạm động vật, tránh bia rượu, vận động nhẹ nhàng, tái khám định kỳ, thường xuyên theo dõi nồng độ axit uric, đường, các chỉ số mỡ trong máu. Tránh tăng cân quá nhiều vì dẫn tới thừa cân, béo phì, rối loạn dung nạp đường huyết, hội chứng chuyển hóa khiến bệnh gout tăng nặng.
Người bệnh cần khám định kỳ hoặc khi có cơn gout cấp để kịp thời kiểm soát bệnh. Bổ sung thêm dưỡng chất thiên nhiên như eggshell membrane extract (chiết xuất màng vỏ trứng), collagen type II không biến tính và collagen peptide thủy phân, chondroitin sulfate (thành phần chính của cấu trúc nền ngoại bào), turmeric root extract (chiết xuất củ nghệ) có lợi cho sức khỏe. Các dưỡng chất này hỗ trợ cải thiện cơn đau, kháng viêm, giảm sưng, tăng cường tái tạo sụn, xương dưới sụn, hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp do bệnh gout.
Trọng Nghĩa
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |