Tim là cơ quan duy trì sự sống bằng cách bơm máu, cung cấp oxy, chất dinh dưỡng cho toàn bộ cơ thể. Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Phòng ngừa bệnh có thể giúp cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh.
Tuổi 20
Mỗi người nên hình thành thói quen kiểm tra sức khỏe hàng năm, bắt đầu theo dõi chỉ số huyết áp và cholesterol. Tiêm phòng đầy đủ, vận động thường xuyên, ăn uống cân bằng, hạn chế hút thuốc, uống rượu.
Tuổi 30
Kiểm soát huyết áp và cholesterol: Kiểm tra 4-6 năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu cần.
Khám sàng lọc bệnh tiểu đường: Điều này quan trọng nếu một người thừa cân hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh. Bệnh tiểu đường liên quan đến rối loạn chuyển hóa nên làm gia tăng xơ vữa động mạch và huyết khối động mạch. Người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Sức khỏe tim mạch: Kiểm soát căng thẳng, luôn năng động, ưu tiên giấc ngủ.
Sức khỏe tinh thần: Giữ tâm trí thoải mái giúp trái tim khỏe mạnh hơn.
Tuổi 40
Nhận thức về nguy cơ tim mạch: Không nên bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao.
Kiểm tra lượng đường trong máu: Sàng lọc tiền tiểu đường và tiểu đường.
Tầm soát ung thư vú: Phụ nữ có thể đi khám, được bác sĩ tư vấn về chụp nhũ ảnh. Điều trị ung thư vú có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tim mạch, bao gồm các vấn đề như bệnh cơ tim, suy tim, bệnh động mạch vành, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim...
Tuổi 50
Ở độ tuổi này, mỗi người chú ý đến triệu chứng bất thường của cơ thể như đau ngực, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt. Khi có những triệu chứng này, người bệnh nên đi khám sớm. Các chuyên gia khuyến cáo tầm soát ung thư đại tràng ở tuổi 45 bởi bệnh có tác động gián tiếp đến tim thông qua biến chứng và phương pháp điều trị.
Phụ nữ nên kiểm tra mật độ xương, thảo luận với bác sĩ về những thay đổi liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Hormone estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch của phụ nữ, giúp duy trì mức cholesterol tốt, huyết áp thấp và bảo vệ mạch máu. Nếu nồng độ estrogen giảm trong giai đoạn mãn kinh, phụ nữ dễ mắc bệnh tim hơn. Thừa cân gây áp lực lên tim, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, do đó mỗi người nên ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên.
Tuổi 60
Mỗi người thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch, tầm soát ung thư phổi, tăng cường sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng từ các bài tập phù hợp, giãn cơ nhẹ nhàng, đi bộ. Tham gia các trò chơi trí não, tương tác xã hội, tránh dùng nhiều loại thuốc bằng cách hỏi ý kiến của bác sĩ.
Lê Nguyễn (Theo WebMD, Hindustan Times)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |