Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm, khiến xương giòn yếu, dễ tổn thương và gãy hơn. Bệnh loãng xương phổ biến ở người cao tuổi và phụ nữ sau mãn kinh. Nhóm người lao động quá sức, uống nhiều rượu bia và sử dụng các chất kích thích, thiếu hụt dinh dưỡng như vitamin D, canxi... cũng dễ bị loãng xương.
ThS.BS.CKI Phạm Hoàng Hải, khoa Nội Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết loãng xương diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng đặc hiệu rõ ràng. Thông thường, người bệnh cảm thấy các dấu hiệu chung chung.
Nhức mỏi xương: Khi mật độ xương suy giảm, người bệnh đau nhức các đầu xương, nhất là ở các xương chịu lực nhiều như cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối... có thể cảm thấy mỏi dọc theo các xương dài, châm chích toàn thân... Đau nhức nhiều hơn vào ban đêm, khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu.
Thay đổi hình dáng cơ thể: Đau làm người bệnh thay đổi tư thế sinh hoạt, có thể gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các động tác cúi gập, xoay người... Khi mật độ xương giảm, các đốt sống có thể bị xẹp, gãy lún, làm giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng.
Nứt, gãy xương: Nhiều người chỉ phát hiện loãng xương khi đã biến chứng nặng gây gãy xương. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra tại các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay... Nếu không được điều trị đúng cách, rất khó phục hồi, phải nằm tại chỗ nhiều ngày, có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, suy giảm khả năng vận động, tử vong. Đây là những tác hại nặng nề nhất của bệnh loãng xương. Người bị loãng xương nặng cũng có thể gãy xương dù chỉ chấn thương rất nhẹ như vấp ngã bậc thềm, té ngã từ chiều cao thấp hơn chiều cao cơ thể, khiêng xách đồ nặng...
![]() |
Bác sĩ Hoàng Hải giải thích kết quả đo mật độ xương cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Bác sĩ Hoàng Hải cho biết hiện nay loãng xương chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị chỉ có tác dụng kiểm soát bệnh, làm giảm triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng. Tùy vào mức độ loãng xương, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị.
Người bệnh nên cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt cần bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D để tạo nguyên liệu cho quá trình tái tạo xương, tăng cường sự bền chắc cho xương. Những khoáng chất này có trong sữa và các chế phẩm từ sữa, rau lá xanh, hạt óc chó, cá hồi, hải sản... Tránh những thực phẩm có hại như thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, rượu bia, cà phê, nước uống có gas...
Vận động thường xuyên để tăng sự chắc khỏe cho xương và sự dẻo dai cho cơ bắp. Nên tập luyện ở cường độ vừa phải, một số môn thể thao được đề nghị như đạp xe đạp, bơi lội, tập aerobic, tập dưỡng sinh, khiêu vũ... Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng những dụng cụ, nẹp chỉnh hình để giảm sự tỳ đè lên cột sống, các đầu xương, xương vùng hông trong quá trình vận động.
Dùng thuốc theo đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch để ức chế quá trình hủy xương, tăng mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương. Theo bác sĩ Hải, truyền thuốc loãng xương là phương pháp điều trị được ưa chuộng nhờ hiệu quả cao và tiện lợi. Khi được truyền vào cơ thể, thuốc được hấp thụ gần như hoàn toàn vào xương nên có hiệu quả tốt hơn. Mỗi năm, người bệnh chỉ cần truyền thuốc một lần, trong 3 năm liên tục hoặc 6 năm đối với các trường hợp nặng, thay vì 5 năm hoặc 10 năm như dùng thuốc mỗi tuần, mỗi tháng theo đường uống. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, sau khi truyền thuốc loãng xương, người bệnh có thể ra về sau vài giờ, không cần phải nhập viện như trước đây, giảm đáng kể thời gian và chi phí điều trị.
![]() |
Người bệnh được đo mật độ xương định kỳ bằng phương pháp Dexa (hấp thụ tia X năng lượng kép). Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Tác hại của loãng xương có thể được giảm đáng kể nếu được dự phòng và điều trị kịp thời. Bác sĩ Hải khuyến cáo mọi người nên khám sức khỏe và tầm soát loãng xương định kỳ, nhất là người đã mắc bệnh hoặc có nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, mắc các bệnh mạn tính...
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |