Trả lời:
Mỡ máu cao (rối loạn lipid máu) là tình trạng gia tăng cholesterol xấu hoặc tăng triglyceride (một loại chất béo trong máu) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và các biến chứng nguy hiểm khác. Nhiều gia đình có thói quen sử dụng dầu đậu phộng (dầu lạc) để chế biến thức ăn. 100 g dầu đậu phộng chứa khoảng 46 g chất béo không bão hòa đơn (MUFA) và 32 g chất béo không bão hòa đa (PUFA) giúp giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt. Với người bị tăng mỡ máu, thay thế chất béo bão hòa từ mỡ động vật bằng chất béo không bão hòa từ dầu thực vật có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Tuy nhiên, 100 g dầu đậu phộng vẫn chứa 17 g chất béo bão hòa, có thể làm tăng LDL-C nếu dùng thường xuyên với số lượng nhiều. Với trường hợp có LDL-C ở mức 180 mg/dL (chỉ số mỡ máu xấu khá cao), bạn có thể dùng dầu đậu phộng trong nấu ăn hàng ngày nhưng cần kiểm soát liều lượng và cách chế biến hợp lý. Bạn nên luân phiên sử dụng các loại chất béo tốt khác như mỡ cá, dầu ôliu, dầu mè, dầu đậu nành... để cân bằng dinh dưỡng. Mỗi ngày bạn chỉ nên dùng khoảng 1-3 thìa canh (10-30 ml) tùy nhu cầu năng lượng của bản thân.
Dầu đậu phộng có điểm sôi cao (mức nhiệt mà dầu bắt đầu bốc khói và phân hủy, khoảng 232-240 độ C) nên thường được sử dụng trong các món chiên rán nhờ khả năng chịu nhiệt tốt. Tuy nhiên, nếu chiên ở nhiệt độ quá cao hoặc tái sử dụng nhiều lần, dầu có thể tạo ra chất béo chuyển hóa, gây hại cho tim mạch. Bạn nên ưu tiên dùng dầu đậu phộng nguyên chất cho món xào nhanh, trộn salad hoặc nấu ở nhiệt độ vừa phải, và cần chọn các sản phẩm uy tín, không chứa tạp chất để đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe.
[IMG_TAG]
Sử dụng dầu đậu phộng đúng cách, đúng liều lượng để hỗ trợ kiểm soát mỡ máu. Ảnh: Phương Phạm
Ngoài sử dụng dầu đúng cách, người bị mỡ máu cao cần ăn uống khoa học, tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan và không tan như yến mạch, đậu bắp, trái cây họ cam quýt bưởi, nha đam, rau xanh giúp giảm hấp thụ cholesterol vào máu.
Các loại cá hồi, cá thu và hạt chia chứa hàm lượng omega-3 khá cao, hỗ trợ giảm triglyceride và ngăn xơ vữa động mạch. Bạn nên hạn chế thịt đỏ, nội tạng, món chiên rán, thực phẩm nhiều đường tinh luyện, đồ ngọt. Ưu tiên trái cây ít ngọt, giàu chất chống oxy hóa như cam, bưởi, dâu tây cùng các loại rau xanh như cải bó xôi, bông cải để bảo vệ thành mạch, góp phần kiểm soát mỡ máu.
Bạn có thể bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 từ phấn mía Nam Mỹ hỗ trợ điều hòa mỡ máu, kiểm soát tăng huyết áp, bệnh tim mạch. Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần (đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội) để tăng HDL-C và cải thiện chuyển hóa lipid. Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia có thể giảm tổn thương mạch máu. Khám sức khỏe định kỳ, kiểm soát cân nặng, duy trì chỉ số BMI hợp lý góp phần kiểm soát mỡ máu và huyết áp.
Bác sĩ CKI Đào Thị Yến Thủy
Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |