Nội tạng động vật như gan, tim, thận, lòng, dạ dày... giàu dinh dưỡng, cung cấp đạm, sắt, kẽm, vitamin A và B12. Tuy nhiên, thực phẩm này cũng có thể chứa các kim loại nặng như chì, cadimi, chất chuyển hóa và vi sinh vật có hại nếu không được làm sạch kỹ hoặc chế biến đúng cách.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết men gan tăng là dấu hiệu tổn thương tế bào gan, xảy ra khi cơ quan này phải hoạt động quá tải để xử lý các chất độc hoặc khi gan bị viêm, nhiễm mỡ, nhiễm virus. Nội tạng động vật chứa hàm lượng cholesterol cao, nạp nhiều cholesterol tăng gánh nặng cho gan trong quá trình chuyển hóa lipid, nhất là ở người rối loạn chuyển hóa mỡ máu hoặc gan nhiễm mỡ.
Khi gan làm việc quá sức để loại bỏ cholesterol dư thừa, tế bào gan có thể bị tổn thương, dẫn đến men gan cao. Nội tạng chứa nhiều purin - chất khi chuyển hóa tạo thành axit uric, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout, sỏi thận, đồng thời ảnh hưởng đến chức năng gan, thận nếu sử dụng lâu dài.
Theo bác sĩ Tùng, người khỏe mạnh có thể ăn nội tạng động vật tối đa hai lần mỗi tuần với lượng vừa phải (dưới 100 g mỗi lần). Người mắc bệnh gan, tăng men gan, rối loạn lipid máu, cao huyết áp hoặc gout nên hạn chế tối đa, thậm chí kiêng theo hướng dẫn của bác sĩ. Thay vì ăn nội tạng, nên tăng cường protein từ thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ, vừa dễ tiêu, vừa ít cholesterol và không làm tăng men gan.
![]() |
Ăn nội tạng động vật với lượng vừa phải để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ảnh: Trọng Nghĩa |
Lưu ý chọn mua nội tạng từ nguồn rõ ràng, được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước khi chế biến, nên ngâm với muối hoặc giấm để khử mùi, sau đó luộc sơ nhằm loại bỏ bớt độc tố trước khi nấu chín. Hạn chế các món chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc tẩm ướp quá đậm giúp tránh gánh nặng cho gan.
Bác sĩ Duy Tùng khuyến nghị mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ, duy trì lối sống khoa học như ăn uống điều độ, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng để bảo vệ gan. Bổ sung thêm các tinh chất thiên nhiên như s. marianum và wasabia hỗ trợ kiểm soát hoạt động của tế bào kupffer (đại thực bào thường trú ở gan), có thể tăng khả năng giải độc, hạ men gan, phòng và hỗ trợ phục hồi chức năng do viêm gan, gan nhiễm mỡ.
Trọng Nghĩa
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |