Tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8, xét nghiệm tinh dịch đồ của anh Kiên chỉ ghi nhận vài tinh binh bất động, dị dạng. ThS.BS.CKII Dương Quang Huy, Trưởng đơn vị Nam học, cho biết một bên tinh hoàn của anh Kiên đã teo, thể tích khoảng 2 ml (bình thường 15-25 ml), mất hoàn toàn chức năng sản xuất tinh trùng. Bên còn lại bị giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Muốn có con sớm, anh thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trước rồi mới phẫu thuật điều trị bệnh lý. Song người bệnh phải gom 3 mẫu mới đủ tinh trùng cho một chu kỳ IVF, chỉ thu được một phôi ngày 6 loại 3, chất lượng xấu, tiềm năng làm tổ rất thấp. Kết quả, vợ anh Kiên chuyển phôi không thành công.
"Những tinh trùng gom được để làm IVF cho anh Kiên lấy từ một môi trường (tinh hoàn) rất xấu do giãn tĩnh mạch thừng tinh", bác sĩ Huy nói, lý giải chúng có thể có hình thái bình thường nhưng DNA bên trong bị phân mảnh nặng, dẫn đến chất lượng kém.
Anh Kiên được phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh để cải thiện tưới máu tới tinh hoàn, tăng chất lượng tinh trùng. Dưới sự hỗ trợ của kính vi phẫu phóng đại 30 lần, bác sĩ xác định và thắt lại các tĩnh mạch bị giãn, bảo tồn động mạch tinh và bạch mạch để tránh biến chứng tràn dịch tinh mạc (tụ dịch ở bìu) sau mổ.
![]() |
Bác sĩ Huy (giữa) phẫu thuật cho anh Kiên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh - Quận 8 |
Ca phẫu thuật đã cải thiện môi trường tinh hoàn, giảm nhiệt độ, giảm stress oxy hóa, giúp phục hồi chức năng sản xuất tinh trùng cả về số lượng và chất lượng. Tái khám sau 3 tháng, xét nghiệm tinh dịch đồ của anh Kiên ghi nhận hơn 6 triệu tinh binh khỏe mạnh. Theo bác sĩ Huy, chu kỳ sinh tinh thường mất khoảng 3 tháng, kết quả này cho thấy tình trạng còn tiếp tục cải thiện.
Người bệnh cần theo dõi thêm 6 tháng, duy trì lối sống lành mạnh, sinh hoạt tình dục đều đặn để có con tự nhiên. Nếu không thành, vợ chồng anh sẽ được bơm tinh trùng (IUI) hoặc IVF lần nữa với tỷ lệ thành công cao hơn, tăng cơ hội có con.
Tinh trùng bất thường là một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến ở nam giới. Bệnh làm cạn kiệt tinh trùng, đồng thời gây hình dạng bất thường (đầu nhỏ, cổ dày, cụt đuôi, đuôi cuộn...), di chuyển chậm hoặc không di chuyển và khó xâm nhập vào trứng, làm giảm khả năng thụ thai. Nguyên nhân gây bệnh thường do yếu tố di truyền (bất thường nhiễm sắc thể hoặc đột biến gene), rối loạn nội tiết tố, tiếp xúc với hóa chất, nhiệt độ cao, bức xạ, hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất kích thích, căng thẳng và chế độ ăn uống không lành mạnh. Các khối u, tổn thương hoặc dị tật bẩm sinh gây tắc nghẽn đường dẫn tinh, ngăn tinh trùng ra ngoài cũng có thể là nguyên nhân.
Bác sĩ Huy khuyến cáo nam giới đi khám sớm nếu gặp vấn đề về sinh sản, duy trì lối sống lành mạnh để tránh gây hại cho tinh trùng. Tùy nguyên nhân, bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc, phẫu thuật, hoặc thay đổi lối sống.
Đình Lâm
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi