Ngay sau đó, gia đình đã tự ý gây nôn, khiến chất độc xâm nhập vào đường thở và gây suy hô hấp cho trẻ.
Tại Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế khu vực Cẩm Khê, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi do hít phải dầu thắp, biến chứng suy hô hấp. Êkíp truyền dịch và điều trị theo phác đồ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, người trực tiếp điều trị, cho biết suy hô hấp là biến chứng nguy hiểm nhất và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong khi trẻ uống nhầm dầu thắp. Việc xử trí trường hợp này khác biệt hoàn toàn so với các loại ngộ độc thông thường.
Theo đó, gia đình tuyệt đối không được gây nôn hoặc móc họng. Dầu thắp là hydrocarbon dễ bay hơi và có sức căng bề mặt thấp, nên rất dễ xâm nhập vào đường thở trong quá trình uống hoặc khi bị gây nôn. Khi vào phổi, dầu lan nhanh, gây tổn thương niêm mạc, viêm phổi, xẹp phổi và có thể dẫn đến hoại tử mô phổi.
Hiện, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã dần ổn định, tiếp tục điều trị tại viện.
Các bác sĩ khuyến cáo ngộ độc do uống nhầm hóa chất, xăng dầu, thuốc... là tai nạn sinh hoạt nguy hiểm, thường gặp ở trẻ nhỏ. Để phòng tránh những sự cố đáng tiếc tương tự, phụ huynh cần lưu ý tuyệt đối không được gây nôn hoặc móc họng khi trẻ uống nhầm xăng dầu hoặc các chất ăn mòn, dung dịch tẩy rửa; nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí cấp cứu.
Cất giữ các loại hóa chất, dầu thắp, thuốc xa tầm tay trẻ, tuyệt đối không để ở khu vực trẻ có thể tiếp cận được. Không sử dụng chai lọ đựng thực phẩm để chứa hóa chất nhằm tránh nguy cơ nhầm lẫn. Thường xuyên kiểm tra, thu dọn các vật dụng nguy hiểm như dao kéo, vật sắc nhọn, các đồ vật nhỏ dễ nuốt. Giám sát trẻ thường xuyên, không để trẻ chơi một mình, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao như gần bếp, ban công, cầu thang.
Người lớn hãy chủ động tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em, đặc biệt với những trẻ dưới 5 tuổi.
Thúy Quỳnh