Ung thư ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn vì nhiều lý do như một số khối u tiết ra hormone cản trở cơ thể nhận biết cảm giác đói. Tế bào ung thư và quá trình điều trị cũng có thể gây mất nước, buồn nôn, đau miệng, căng thẳng và thay đổi vị giác, từ đó giảm cảm giác thèm ăn. Người bệnh có thể thử một số cách sau góp phần kiểm soát tác dụng phụ do ung thư, ăn uống ngon miệng hơn.
Chia nhỏ bữa ăn
Nếu không cảm thấy đói, người bệnh nên thử những bữa nhỏ để giảm áp lực lên đường ruột, tiêu hóa thay vì ăn một bữa quá no, từ đó kích thích vị giác. Hạn chế uống nhiều nước lọc và nước trái cây trước và trong khi ăn vì nhanh no hơn. Chuẩn bị các món nhẹ giàu calo, cung cấp protein và ăn bất cứ khi nào muốn. Một số món nhẹ nên ưu tiên như phô mai, sữa chocolate nguyên chất, bơ đậu phộng.
Tăng cường protein
Người bệnh ung thư cần ăn nhiều protein hơn người bình thường. Protein hỗ trợ phát triển và phục hồi mô, cơ. Nếu không hấp thụ đủ protein từ chế độ ăn uống, cơ thể có xu hướng phân hủy cơ bắp để lấy protein cần thiết cho việc chữa lành hoặc chống nhiễm trùng. Điều này khiến người bệnh mệt mỏi, kiệt sức, chán ăn hơn.
Nguồn protein tốt bao gồm sữa, trứng, cá, thịt gia cầm có lợi cho người bệnh ung thư. Đậu và các loại hạt cũng có hàm lượng cao protein, người bệnh nên thay đổi đa dạng các món để thúc đẩy cảm giác thèm ăn. Nên ưu tiên chế biến protein thành các món loãng, nhiều nước và mềm, giúp dễ nuốt, tiêu hóa tốt hơn.
![]() |
Cá hồi, thịt gà, đậu hũ, giàu protein. Ảnh được tạo bởi AI |
Thay đổi vị giác và khứu giác
Trong quá trình hóa trị, người bệnh thường bị thay đổi về khứu giác, có vị đắng hoặc chua liên tục trong miệng. Đây gọi là chứng loạn vị giác, một tác dụng phụ phổ biến.
Để giảm khó chịu, người bệnh ung thư có thể dùng các loại sốt ướp để tăng thêm hoặc cân bằng hương vị cho món cá, thịt và gia cầm. Tùy thuộc vào sự thay đổi khẩu vị, bạn có thể cân nhắc thêm nước cốt chanh hoặc chanh xanh giúp món ăn hấp dẫn hơn hoặc thêm vị ngọt khi thực phẩm quá đắng. Nếu cảm thấy vị kim loại trong miệng, hãy dùng thìa nhựa và tránh thực phẩm được đóng gói trong hộp kim loại.
Hạn chế các món mùi nồng
Thay đổi về vị giác và khứu giác cũng có thể khiến người bệnh ung thư chán một số loại thực phẩm và khó chịu với mùi nồng, tanh. Do đó, hạn chế các món như bắp cải, cá, tỏi và hành tây có thể giúp tránh chán ăn.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng hay các vấn đề về tâm lý dễ gây mệt mỏi, ăn không ngon miệng, ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư. Người bệnh nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để được hỗ trợ phù hợp, kiểm soát các triệu chứng không mong muốn. Thường xuyên giao lưu, kết nối, tham gia các hoạt động thể dục nhẹ nhàng giúp thư giãn.
Anh Chi (Theo EveyDay Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |