BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh sốt xuất huyết thường bị sốt cao kéo dài, ra nhiều mồ hôi, buồn nôn, ăn uống kém, có thể dẫn đến mất nước và điện giải. Một số trường hợp còn kèm xuất huyết nhẹ dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng. Bên cạnh đi khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng góp phần quan trọng trong quá trình điều trị, phục hồi.
Nước oresol (gói bù nước điện giải) pha đúng tỷ lệ hướng dẫn giúp ngăn mất nước, duy trì thể tích tuần hoàn và hỗ trợ ổn định huyết áp. Người bệnh nên uống từng ngụm nhỏ, chia thành nhiều lần trong ngày, không nên uống liền một lúc lượng lớn để tránh rối loạn điện giải.
Nước dừa chứa kali, natri, glucose tự nhiên, có tác dụng bù nước nhẹ, bổ sung năng lượng và làm mát cơ thể. Người bệnh không nên uống quá nhiều một lúc (không quá 500 ml một lần) và không thay thế hoàn toàn nước lọc bằng nước dừa.
Nước cam, chanh pha loãng cung cấp vitamin C, tăng cường miễn dịch, đồng thời bổ sung nước và khoáng chất. Nếu người bệnh đang bị rối loạn tiêu hóa, cần pha loãng nước cam, hạn chế uống khi bụng đói để tránh kích ứng dạ dày.
![]() |
Các loại nước cam, dừa, rau má hỗ trợ hồi phục cho người sốt xuất huyết. Ảnh: Trọng Nghĩa |
Nước ép ổi giàu vitamin C, giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ làm bền thành mạch, yếu tố quan trọng với người bị sốt xuất huyết. Nên dùng ổi tươi ép lấy nước, không cho thêm đường, uống liều lượng vừa phải để tránh gây táo bón.
Nước rau má có tính mát, thanh nhiệt, làm dịu cơ thể đồng thời hỗ trợ làm lành mao mạch bị tổn thương. Bạn có thể xay rau má tươi, lọc lấy nước, uống trong ngày. Không nên uống rau má liên tục nhiều ngày hoặc dùng liều cao, đặc biệt là người có tiền sử rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Yến Thủy lưu ý người bệnh cần tránh dùng các loại nước uống có chất kích thích như cà phê, trà đặc, nước tăng lực, nước ngọt có gas vì dễ gây lợi tiểu, làm mất nước nhanh hơn. Không uống rượu bia vì làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ xuất huyết. Hạn chế đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng, thức ăn khó tiêu, thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối và đường. Những món này có thể làm nặng thêm tình trạng tiêu hóa, gây đầy bụng, khó hấp thu dinh dưỡng.
Người bệnh cũng nên uống đủ nước lọc (tối thiểu 2-2,5 lít mỗi ngày), ăn các món mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như cháo thịt, súp rau củ, trái cây tươi... Trong giai đoạn hạ sốt, cần theo dõi sát dấu hiệu cảnh báo như mệt lả, chảy máu nhiều, tiểu ít, tay chân lạnh, đau bụng... và nhập viện kịp thời nếu có diễn tiến nặng.
Trọng Nghĩa
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |