Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) xảy ra do quá nhiều chất béo tích tụ. Bệnh thường gặp nhất ở người thừa cân hoặc béo phì. NAFLD có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, nếu không được điều trị có thể dẫn đến viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH).
NASH khiến gan bị sưng và tổn thương do tích tụ mỡ trong gan, nặng hơn dẫn đến sẹo gan (xơ gan), thậm chí ung thư gan. Tổn thương này cũng có mức độ nghiêm trọng tương đương ở người thường xuyên uống nhiều rượu.
Để phòng gan nhiễm mỡ, ngoài tránh rượu bia, chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Dưới đây là 4 sai lầm ăn uống thường gặp khiến gan nhiễm mỡ trầm trọng hơn.
Tiêu thụ quá nhiều muối
Lượng natri dư thừa trong chế độ ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Ăn thực phẩm chứa nhiều muối cũng thể dẫn đến kháng insulin, huyết áp cao và stress oxy hóa. Các yếu tố này góp phần tích tụ mỡ trong gan. Hạn chế lượng natri nạp vào dưới 2.300 mg mỗi ngày, người đang bị tăng huyết áp nên giảm dưới 1.500 mg mỗi ngày.
Ăn thực phẩm chế biến sẵn
Ăn thực phẩm chế biến sẵn có thể thúc đẩy bệnh gan và làm trầm trọng thêm các bệnh lý mắc phải. Thực phẩm chế biến sẵn bao gồm khoai tây chiên, bánh quy, mì ống... Bột mì trắng làm bánh thường được chế biến kỹ, ăn thường xuyên làm tăng đường huyết vì thiếu chất xơ. Thực phẩm chế biến sẵn cũng nhiều dầu, muối, đường và chất bảo quản, gây hại cho sức khỏe.
Ăn nhiều thịt đỏ
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế ăn thịt đỏ. Chất béo bão hòa có trong các loại thực phẩm như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu và các loại thịt đỏ khác ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách. Nạp quá nhiều loại chất béo xấu này làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và thừa cân, từ đó dẫn đến gan nhiễm mỡ. Ăn nhiều thịt đỏ kết hợp với thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như nạp nhiều calo, ít vận động, có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội, thịt đóng hộp còn chứa nhiều natri và chất béo bão hòa
Không ăn đủ protein
Ở người trưởng thành ít vận động, lượng khuyến nghị protein hàng ngày khoảng 0,8-1,2 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, một người nặng 60 kg có thể cần khoảng 48-72 g protein mỗi ngày.
Thiếu protein ảnh hưởng đến khả năng xử lý và loại bỏ chất béo của gan. Chế độ ăn đầy đủ protein, giảm tiêu thụ calo có thể loại bỏ mỡ gan hiệu quả hơn so với chế độ ăn ít protein. Tập trung vào chế độ ăn ít calo, giàu protein lành mạnh như thịt nạc, cá, trứng hoặc các loại đậu để tăng cường sức khỏe tổng thể.
Bảo Bảo (Theo Mayo Clinic, Times of India)