Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Lam Phương, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Sở An toàn thực phẩm TP HCM cho biết tại Họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, chiều 22/5.
Theo bà Phương, nhiều cơ sở vì lợi ích kinh tế đã cố tình vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Các đơn vị này thường hoạt động bí mật, khó phát hiện. Thông tin từ cơ quan công an trong các vụ án mới được công bố cho thấy, các đường dây làm giả thuốc, thực phẩm chức năng thu lời bất chính lên tới hàng trăm tỷ đồng chỉ trong vài năm. Đây là khoản lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều cá nhân, đơn vị bất chấp đạo đức và pháp luật để làm giàu, các chuyên gia nhận định.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở sản phẩm giả trong nước mà còn mở rộng sang hàng xách tay không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng dưới danh nghĩa "thực phẩm chức năng, sữa ngoại nhập hay sản phẩm chính hãng".
Ngoài ra, Sở An toàn thực phẩm nhận định việc người tiêu dùng thiếu kỹ năng nhận biết sản phẩm an toàn và chưa quen với việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm - yếu tố quan trọng giúp phân biệt hàng thật, hàng giả.
Trong cuộc họp hồi cuối tháng 4, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cũng cho rằng có một số quy định pháp luật chưa thực sự chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng.
Ví dụ, theo quy định, doanh nghiệp được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, trừ 4 nhóm được kiểm soát chặt (gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi). Tuy nhiên, quy định này tạo nên lỗ hổng pháp lý để các nghi can lợi dụng sản xuất hàng giả đưa ra thị trường.
Trong khi đó, cơ chế hậu kiểm còn chồng chéo giữa các bộ ngành và địa phương, dẫn đến sự buông lỏng trong kiểm soát chất lượng. Lực lượng hậu kiểm và kinh phí thực hiện nhiệm vụ này còn mỏng, thiếu, dẫn đến vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng... bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng.
![]() |
Sữa Bold Milk cơ xương khớp Colostrum nằm trong danh sách sữa giả đang được điều tra. Ảnh chụp màn hình |
Trước tình hình này, Sở An toàn thực phẩm TP HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát tình trạng thực phẩm giả. Cơ quan dự kiến đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết thực phẩm giả và lựa chọn sản phẩm an toàn, đồng thời giới thiệu các sản phẩm uy tín, kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Song song đó, công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng được siết chặt. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm để đối chiếu với hồ sơ đăng ký chất lượng được thực hiện nghiêm nhằm xử lý các trường hợp vi phạm.
Hôm 22/5, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương mở đợt tấn công từ ngày 15/5 đến 15/6 để ngăn chặn tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến thuốc, mỹ phẩm và thiết bị y tế. Sở Y tế TP HCM đã lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dược, đồng thời yêu cầu các nơi khám chữa bệnh và kinh doanh rà soát thuốc, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng giả.
Giới chức khuyến cáo người dân mua sắm tại các cơ sở được cấp phép, tránh mua hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là sản phẩm quảng cáo trên mạng xã hội. Người dân cũng được khuyến khích báo cáo cho cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả liên quan đến thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa và thiết bị y tế.
Mỹ Ý