Tình cho biết đồng nghiệp có triệu chứng sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, ăn không ngon miệng. Do tưởng mắc cảm cúm, chị mua thuốc uống và vẫn đi làm. Sang ngày thứ 2, chị nổi nhiều mụn nước ở tay chân, lưng và mặt kèm ngứa rát, sốt cao, sau đó thông báo đã mắc thủy đậu, cần cách ly.
Những đồng nghiệp khác được khuyến cáo theo dõi sức khỏe, đi khám khi có triệu chứng bệnh. Còn Tình xin nghỉ làm một buổi để tiêm vaccine.
"Công việc của tôi phải giao tiếp, hướng dẫn nhiều người nên có nguy cơ lây bệnh, vì vậy tiêm vaccine để phòng ngừa kịp thời", Tình chia sẻ.
![]() |
VNVC ghi nhận nhiều khách hàng đến tiêm vaccine sau khi tiếp xúc đồng nghiệp mắc thủy đậu. Ảnh: Diệu Thuần |
Còn Nhật Minh, 27 tuổi, quê Bình Dương, vừa hoàn thành mũi thứ hai thủy đậu vào ngày 15/5. Chị cho biết, một tháng trước, công ty chị có một người mắc thủy đậu và lây cho hai người khác, khiến những người khác rất lo lắng. Chị không nhớ đã mắc thủy đậu hay chưa, vì vậy cũng chọn tiêm vaccine.
Bác sĩ Phạm Văn Phú, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, ghi nhận số người đến tiêm vaccine thủy đậu tăng cao, lứa tuổi đa dạng. Họ tiếp xúc với người bệnh làm cùng công ty, trong gia đình có người mắc, hoặc phụ nữ chuẩn bị mang thai, người lớn có hệ miễn dịch suy giảm.
Bác sĩ Phú đánh giá việc nhiều người dân chủ động phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, trong đó có thủy đậu hiện đang vào mùa là điều đáng mừng, nhất là hiện nay, Bộ Y tế có khuyến cáo các bệnh về đường hô hấp đang có xu hướng gia tăng số ca mắc.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng thủy đậu, gồm: Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước mang thai tốt nhất ba tháng. Mỗi người cần tiêm đủ hai mũi, hiệu quả phòng bệnh lên đến 98%.
Trẻ em và người lớn chưa tiêm vaccine thủy đậu, song đã tiếp xúc với người bệnh, có thể tiêm phòng trong 3-5 ngày kể từ khi tiếp xúc. Trong trường hợp tiếp xúc quá năm ngày, việc tiêm ngừa vaccine vẫn có hiệu quả giảm nguy cơ bệnh nặng và nhiễm thủy đậu trong tương lai.
Ngoài ra, người chưa mắc thủy đậu có thể nhiễm virus gây thủy đậu có trong các bóng nước của người mắc zona thần kinh. Bệnh zona hiện có thể phòng ngừa bằng vaccine, dành cho người trên 50 tuổi và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 1-2 tháng.
![]() |
Các nốt thủy đậu trên lưng người đồng nghiệp chị Nhật Minh khi chưa đóng vảy. Ảnh: NVCC |
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra các triệu chứng sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và các mụn nước mọc ở khắp cơ thể, gây ngứa, rát, khó chịu. Bệnh có thể biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm cầu thận cấp, nhiễm trùng da biến chứng nhiễm trùng huyết...
Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua dịch tiết mũi họng, khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Mầm bệnh có thể bám vào các bề mặt như bàn, ghế, nền nhà, chén bát, ly uống nước, tiếp tục lây nhiễm cho người khác.
Thời gian ủ bệnh 2-3 tuần, thông thường 14-16 ngày. Bệnh lây từ 1-2 ngày trước khi các mụn nước xuất hiện nên người mắc không được phát hiện và cách ly, dễ tạo thành chùm ca bệnh.
Tuấn An