Ngày 9, 10/5, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM tổ chức hội thảo khoa học thường niên với chủ đề "Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý tim mạch năm 2025". Hội thảo quy tụ hơn 1.000 chuyên gia, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch, nội tiết, lão khoa và y học gia đình.
Trong khuôn khổ hội thảo, một chương trình khảo sát suy giãn tĩnh mạch chi dưới đã được triển khai dành cho chính đội ngũ nhân viên y tế tham dự. Song song đó là các báo cáo cập nhật những nghiên cứu mới nhất về ảnh hưởng của bệnh lý tĩnh mạch đến các biến cố tim mạch.
![]() |
Hội thảo khoa học thường niên với chủ đề "Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý tim mạch năm 2025" diễn ra tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM |
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.BS Trương Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM nhận định, trong các bệnh lý tim mạch, chúng ta thường tập trung cũng như đã và đang thực hiện ngày càng các tốt hơn việc quản lý các bệnh lý tim mạch phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim. "Tại hội nghị khoa học Đại Học Y Dược với chủ đề 'Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý tim mạch 2025', chúng tôi muốn nhấn mạnh một mảnh ghép quan trọng, đó là bệnh lý tĩnh mạch, đặc biệt là suy giãn tĩnh mạch chi dưới, một bệnh lý âm thầm nhưng rất phổ biến và có tác động lớn đến sức khỏe tim mạch và chất lượng sống lâu dài của người bệnh", GS Trương Quang Bình chia sẻ thêm.
Dữ liệu khoa học quốc tế những năm gần đây khiến giới chuyên môn phải nhìn nhận lại. Người bị suy giãn tĩnh mạch có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu cao gấp 5,3 lần, nguy cơ bệnh động mạch ngoại biên cao gấp 1,72 lần, và nguy cơ biến cố tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ cao gấp ba lần so với người bình thường (theo báp cáo JAMA 2018) Bên cạnh đó, nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ (British Medical Journal) và EHJ (European Heart Journal) còn chỉ ra suy giãn tĩnh mạch làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong chung và tử vong do tim mạch.
![]() |
Hội thảo chia sẻ các nội dung về Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý tim mạch năm 2025. Ảnh: Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM |
Ở Việt Nam, khảo sát năm 2023 tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cho kết quả đáng lo ngại: 70% nhân viên y tế có biểu hiện lâm sàng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới; 50% phát hiện có dòng trào ngược trên siêu âm Doppler. Đáng chú ý, chỉ 20% có nhận thức đầy đủ về bệnh, còn lại gần 20% hoàn toàn chưa biết về căn bệnh này.
Theo tạp chí Circulation (thuộc Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ), suy giãn tĩnh mạch gây ứ đọng máu tại các tĩnh mạch ngoại vi, làm tăng áp lực trong hệ tĩnh mạch, dẫn đến tăng áp lực tuần hoàn tổng thể, thúc đẩy phản ứng viêm, hình thành huyết khối và ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn các cơ quan khác, đặc biệt là tim. Những biến chứng như nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu hay huyết khối lan vào hệ tĩnh mạch sâu có thể gây thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Vì vậy, hội thảo đã kêu gọi các bác sĩ lâm sàng cần mở rộng góc nhìn khi điều trị bệnh mạn tính, không chỉ tập trung vào tim, gan, thận mà phải chủ động tầm soát và kiểm soát tốt tình trạng tĩnh mạch chi dưới, nhất là ở những nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, phụ nữ và những người thường xuyên phải đứng lâu, ngồi nhiều hơn 4 tiếng một ngày. Việc đưa suy giãn tĩnh mạch vào chiến lược quản lý bệnh lý mạn tính toàn diện không chỉ giúp giảm thiểu biến chứng tim mạch mà còn cải thiện chất lượng sống lâu dài cho người bệnh.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cũng cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng y khoa cả nước trong công cuộc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chương trình tầm soát, điều trị sớm các bệnh lý tĩnh mạch để bảo vệ sức khỏe tim mạch toàn diện hơn cho người dân Việt Nam.
Thế Đan
Tìm hiểu thêm thông tin về bệnh lý suy giãn tĩnh mạch tại fanpage Yêu đôi chân mình - ngừa suy tĩnh mạch