Vaccine phòng bệnh truyền nhiễm đã thay đổi quỹ đạo của loài người. Nhờ có vaccine, nhiều bệnh được xóa sổ, loại trừ ở các quốc gia.
Thành công của vaccine phòng bệnh truyền nhiễm khiến các nhà khoa học tự hỏi liệu có thể tiếp tục khai thác sức mạnh của hệ thống miễn dịch, để chống lại các bệnh khác hay không. Vì vậy, họ nghiên cứu, nỗ lực phát triển vaccine ung thư.
Hiện nay, một số loại vaccine chống bệnh truyền nhiễm cũng có thể ngăn ngừa ung thư. Ví dụ mũi tiêm ngừa HPV, giúp cơ thể chống lại các chủng virus có thể gây ung thư; vaccine phòng viêm gan B cũng giúp chống ung thư gan do nhiễm viêm gan B mạn tính.
![]() |
Minh họa quá trình nghiên cứu vaccine ung thư. Ảnh: Vecteezy |
Một loại vaccine khác đang được các nhà khoa học phát triển, nhắm trực diện vào khối u thay vì sử dụng các phương pháp gián tiếp. Tuy nhiên, việc huấn luyện hệ thống miễn dịch chống lại căn bệnh này thông qua tiêm chủng rất khó khăn. Lý do, ung thư phát triển từ chính tế bào của cơ thể, có thành phần di truyền và phân tử tế bào tương đối giống với tế bào khỏe mạnh; còn vaccine dựa vào cơ chế tấn công tác nhân lạ xâm nhập của cơ thể.
Để khắc phục, các chuyên gia sử dụng những phân tử chỉ có mặt trong tế bào ung thư, để huấn luyện hệ thống miễn dịch. Họ gọi những phân tử này là tân kháng nguyên (neoatigen).
Tiến sĩ Vinod Balachandran, giám đốc Trung tâm Vaccine Ung thư Olayan tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Mỹ, cho biết cần giúp hệ thống miễn dịch nhận diện tân kháng nguyên là "tác nhân lạ". Các mũi tiêm có thể được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân hoặc được sản xuất theo lô nhỏ, để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả.
Tiến sĩ Balachandran minh họa bằng vaccine ung thư tuyến tụy đang thử nghiệm. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, bệnh nhân được sử dụng thuốc tăng miễn dịch và thuốc hóa trị kèm theo vaccine được cá nhân hóa. Vaccine có vai trò giúp hệ thống miễn dịch nhận diện tân kháng nguyên, từ đó tiêu diệt khối u. Trong 8/16 người tham gia thử nghiệm, cơ thể sản sinh phân tử miễn dịch chống ung thư, bệnh không tái phát trong suốt 18 tháng.
Vaccine có thể điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư không?
Hiện nay, nhiều loại vaccine ung thư dùng để ngăn bệnh tái phát. Bên cạnh đó, cũng có vaccine dùng để điều trị, hoạt động tương tự phương pháp miễn dịch. Ví dụ điển hình là sipuleucel-T (tên thương mại là Provenge) dùng để điều trị ung thư tuyến tiền liệt - đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt.
Một số vaccine dành cho ung thư não, ung thư da đang được thử nghiệm lâm sàng. Nếu những nỗ lực phát triển vaccine thành công, tiến sĩ Balachandran kỳ vọng có thể tiến tới nghiên cứu mũi tiêm phòng bệnh ung thư, tương tự loại phòng bệnh truyền nhiễm.
Chi Lê (Theo Livesciene)