Ngày 15/7, bác sĩ Mai Văn Lực, Khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn tiểu tiện nặng tiểu buốt, rắt, ra máu. Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy nhiễm khuẩn tiết niệu tình trạng nặng, khám chuyên khoa sản ghi nhận kèm theo viêm âm đạo.
Người phụ nữ nói hầu như tháng nào cũng bị viêm tiết niệu tái phát nhưng vẫn cố chịu đựng. Những lần đầu có biểu hiện tiểu buốt nhẹ, chị tự ra hiệu thuốc để mua kháng sinh uống. Sau vài ngày thấy đỡ, chị dừng thuốc. Bệnh nhân còn lười uống nước, thường xuyên mặc quần bó sát. Bác sĩ Lực nhận định đây là những thói quen gây hại khiến tình trạng viêm đường tiết niệu tái diễn nhiều lần.
Mặc quần bó sát là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng nhiệt độ vùng kín, giữ ẩm tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, lượng nước hàng ngày không đủ khiến đường tiết niệu dễ bị cô đặc, vi khuẩn dễ bám vào và phát triển. Đặc biệt, việc dùng thuốc không đúng, không đủ liều khiến bệnh không khỏi hẳn, vi khuẩn nhờn thuốc, tái phát nhanh và nặng hơn ở những lần sau.
Bệnh nhân được điều trị đồng thời cả viêm bàng quang và viêm âm đạo, kết hợp dùng kháng sinh theo kết quả cấy khuẩn nước tiểu. Bác sĩ hướng dẫn chế độ uống nước sinh hoạt, tập tiểu và cách dự phòng tái phát.
![]() |
Hình ảnh siêu âm ghi nhận tình trạng viêm. Ảnh: Bác sĩ cung cấp |
Viêm đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu, thường do vi khuẩn gây ra, có thể làm đau rát kèm khó chịu khi sinh hoạt thường ngày. Căn bệnh này không chỉ mang lại những sự bất tiện mà còn có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Viêm đường tiết niệu không kịp xử lý có thể dẫn đến viêm ngược dòng lên niệu quản và đài bể thận, suy giảm chất lượng tình dục, gây viêm phụ khoa ở nữ giới, từ đó hệ lụy đến việc duy trì nòi giống. Một số trường hợp, viêm đường tiết niệu là triệu chứng cảnh báo của các bệnh tình dục như lậu, sùi mào gà.
Để phòng ngừa, người dân cần uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 2-3 lít. Không uống từng ngụm, nên uống mỗi lần 100-200 ml, cách nhau 2 giờ. Sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh xà phòng hoặc chất gây kích ứng. Lựa chọn trang phục thoáng mát, không quá chật, bí. Khi có triệu chứng bệnh, không tự ý chẩn đoán hay mua thuốc mà cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu.
Thúy Quỳnh