BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết nhiễm trùng máu và viêm màng não do não mô cầu có khả năng gây tử vong chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh không điển hình. 8 giờ đầu, người bệnh có các triệu chứng tương tự cúm, gồm đau đầu, sốt, viêm họng, sổ mũi, biếng ăn, buồn nôn. Từ giờ thứ 9 đến 15, cơ thể xuất hiện tử ban, lạnh tay chân, cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ 16 đến 24 giờ, bệnh nhân co giật, mê sảng, mất ý thức và tử vong.
"Triệu chứng không điển hình khiến người bệnh và gia đình chủ quan, khó phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời", bác sĩ Chính nói.
![]() |
Các chấm xuất huyết xuất hiện trên da của một bệnh nhân mắc não mô cầu. Ảnh: Nguyên Hà |
Ngoài ra, vi khuẩn não mô cầu có thể gây viêm phổi, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm kết mạc... Dù được điều trị tích cực, bệnh não mô cầu xâm lấn có tỷ lệ tử vong khoảng 8-15%. Bệnh nhân sống sót có 10-20% chịu di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ...
Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây truyền theo đường hô hấp và có khả năng gây thành dịch. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, ký túc xá...
Nhiễm não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi và thanh thiếu niên có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, tiếp đến là những người có hệ miễn dịch suy giảm, đồng nhiễm các loại virus, vi khuẩn đường hô hấp...
Tại Việt Nam, bệnh do não mô cầu rải rác ở nhiều địa phương, thường xuất hiện vào mùa đông - xuân. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 5 ca nhiễm, trong đó một ca tại Hà Nội tử vong.
Vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm A, B, C, W-135, Y phổ biến ở Việt Nam.
![]() |
Trẻ tiêm vaccine phòng não mô cầu tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: An Hoa |
Bệnh do não mô cầu khuẩn còn tiêu tốn nhiều chi phí điều trị, nuôi dưỡng, chăm sóc. Báo cáo Gánh nặng kinh tế - Chi phí bệnh tật ở Đức từ năm 2001-2015 cho thấy, trung bình mỗi ca bệnh do não mô cầu mất từ 57.000 euro (hơn 1 tỷ đồng) đến 171.000 euro (hơn 4,5 tỷ đồng). Ở Anh, chi phí chăm sóc bệnh nhân não mô cầu trọn đời có thể lên đến 1,72 triệu bảng Anh (khoảng 56 tỷ đồng). Tuổi càng nhỏ, chi phí điều trị và theo dõi các di chứng càng lớn. Ở Việt Nam, người bệnh có thể mất hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để điều trị và theo dõi các di chứng lâu dài.
Hiện nay, các khuyến cáo phòng ngừa não mô cầu tập trung vào thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, gồm: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường; ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng; tiêm vaccine tại cơ sở y tế. Khi phát hiện dấu hiệu nghi mắc bệnh, người dân cần khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế.
Trong đó, biện pháp tiêm chủng được bác sĩ Chính khuyến cáo nên thực hiện sớm do giúp xây dựng hệ miễn dịch chủ động đặc hiệu, giảm mức độ nặng của bệnh. Vaccine kích thích hệ miễn dịch sinh kháng thể đặc hiệu. Khi cơ thể tiếp xúc với vi khuẩn thật, hệ miễn dịch sẽ phản ứng nhanh và mạnh, tiêu diệt vi khuẩn trước khi chúng gây bệnh.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng não mô cầu, gồm mũi phòng não mô cầu nhóm B (Bexsero - Italy) tiêm từ 2 tháng đến 50 tuổi, nhóm BC (VA-Mengoc-BC - Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi và nhóm ACYW-135 (Menactra - Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi.
Để phổi bảo vệ được rộng nhất trước các nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu, mỗi người cần tiêm các loại vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135. Trường hợp đã tiêm vaccine não mô cầu B, C, người dân nên tiêm thêm mũi phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới và loại ngừa não mô cầu nhóm A, C, Y, W phòng ngừa đầy đủ hơn trước các chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm B.
An Hoa