Trả lời:
Ù tai có thể chỉ là triệu chứng sinh lý tạm thời do môi trường sống có tiếng ồn lớn. Nếu xuất hiện thường xuyên, kéo dài, ù tai hay tiếng vo ve trong tai có thể là dấu hiệu của một số rối loạn thần kinh.
Mạch máu và dây thần kinh trong cơ thể tồn tại song song và không ảnh hưởng đến nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, mạch máu tiếp xúc trực tiếp hoặc chèn ép dây thần kinh gây ra hiện tượng xung đột mạch máu - dây thần kinh. Dây thần kinh số 8 giữ vai trò dẫn truyền tín hiệu âm thanh và kiểm soát thăng bằng từ tai trong lên não. Sự chèn ép này có thể làm tín hiệu thần kinh bị rối loạn, khiến người bệnh nghe thấy tiếng ù trong tai kéo dài, dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tinh thần.
Tổn thương không nằm ở tai ngoài hay tai giữa mà ở sâu trong nền nên không thể phát hiện qua các kiểm tra tai mũi họng thông thường. Do đó, nếu đã loại trừ các bệnh lý về tai như viêm tai, ráy tai hoặc tổn thương màng nhĩ nhưng vẫn bị ù tai kéo dài, bác sĩ có thể xem xét khả năng liên quan đến hệ thần kinh trung ương.
Bạn cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Tại đây, bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm quan sát chi tiết các cấu trúc giải phẫu phức tạp như mạch máu và dây thần kinh vùng nền sọ. Trong trường hợp xác định được nguyên nhân là xung đột mạch máu với dây thần kinh số 8, bác sĩ chỉ định phẫu thuật giải phóng chèn ép. Mục tiêu là tách mạch máu ra khỏi dây thần kinh, loại bỏ chèn ép và ngăn nguy cơ tái phát.
![]() |
Chụp cộng hưởng từ MRI giúp phát hiện các bất thường trong não như xung đột mạch máu - dây thần kinh số 8. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Các công nghệ hiện đại như kính vi phẫu hoặc robot phẫu thuật não tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ bác sĩ lập kế hoạch mổ mô phỏng giải phẫu 3D. Nhờ đó, bác sĩ xác định chính xác đường mổ, vị trí tiếp xúc, mức độ xung đột giữa mạch máu và dây thần kinh.
Khi mổ chính thức, bác sĩ đặt các điện cực để theo dõi liên tục hoạt động điện sinh học của dây thần kinh cần được giải phóng. Khi bắt đầu phẫu tích, nếu có hiện tượng chèn ép, các điện cực sẽ ghi nhận tín hiệu bất thường. Với sự hỗ trợ của kính hiển vi phẫu thuật và thiết bị giám sát thần kinh, bác sĩ tiến hành tách mạch máu khỏi dây thần kinh. Tín hiệu thần kinh thường trở lại bình thường ngay khi chèn ép được giải phóng trong quá trình phẫu thuật. Cuối cùng, bác sĩ đặt một miếng đệm nhỏ giữa mạch máu và dây thần kinh để tránh tái xung đột sau mổ.
Phẫu thuật giải phóng chèn ép giúp cải thiện triệu chứng ù tai, chức năng thính giác và thăng bằng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần mổ. Can thiệp chỉ được chỉ định khi đã chẩn đoán rõ ràng nguyên nhân, đánh giá toàn diện và có bằng chứng cho thấy chèn ép gây ảnh hưởng đến chức năng thần kinh. Người bị ù tai kéo dài cần khám để phát hiện sớm nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng sống và tránh các biến chứng thần kinh về sau.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ
Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh
Trung tâm Khoa học Thần kinh
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |