Trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, dễ mắc cúm nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng yếu. Đa số trẻ bị cúm đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị, một số trường hợp có thể chuyển biến nặng. Do đó, phụ huynh nên theo dõi để đưa con đi khám, điều trị kịp thời. Dưới đây là một số triệu chứng bệnh cúm thường gặp ở trẻ.
Sốt
Trẻ thường sốt cao và dai dẳng hơn người lớn khi mắc bệnh cúm. Nhiệt độ cơ thể của trẻ có thể đến 39-40 độ C. Nếu trẻ sốt nhẹ, trên 37,5 và thấp hơn 38,5 độ C, tỉnh táo, tiếp xúc tốt thì cha mẹ nên cho con uống nhiều nước, chườm ấm, lau người và dùng hạ sốt phù hợp.
Đau nhức cơ thể
Trẻ nhỏ có thể không biết cách mô tả triệu chứng nên thường than mệt, không khỏe. Nếu trẻ mệt mỏi kèm dấu hiệu ho, sốt, chán ăn, có thể là dấu hiệu cúm. Cha mẹ có thể cho con uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ho
Triệu chứng ho phổ biến, do nhiều nguyên nhân như viêm họng, viêm phế quản, viêm amidan... Nó cũng có thể là triệu chứng cúm sớm ở cả trẻ em và người lớn. Cơn ho thường là ho khan kèm khàn giọng. Nếu tiếng ho của trẻ to, dồn dập kèm mất ngủ, phụ huynh nên cho trẻ đi khám sớm. Để làm dịu cơn ho do cúm cho trẻ, cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát, cho con uống đủ nước cùng mật ong trước khi ngủ. Lưu ý không dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi vì có thể gây ngộ độc.
Nghẹt mũi
Chảy nước mũi và nghẹt mũi thường là những triệu chứng cúm sớm ở trẻ. Ban đầu trẻ bị chảy nước mũi trong suốt, dần chuyển vàng hoặc xanh. Nếu chất nhầy tích tụ và không thoát ra ngoài tốt có thể gây nghẹt mũi, dẫn đến nhiễm trùng tai hoặc nhiễm trùng xoang. Một số mẹo giúp trẻ thông thoáng đường thở do cúm gồm bật máy tạo độ ẩm phun sương, uống nhiều nước, xì mũi thường xuyên, sử dụng bình xịt mũi nước muối nhẹ.
Đau đầu
Bệnh cúm ở trẻ nhỏ hay người lớn đều gây đau đầu. Cơn đau khiến bé khó chịu, cáu kỉnh, kéo tai và khóc. Trẻ có thể uống thuốc giảm đau theo liều lượng bác sĩ khuyến cáo. Nếu trẻ đau đầu nhiều, kéo dài, kèm nôn mửa hoặc lú lẫn thì cần được khám sớm.
Đau họng
Cúm tấn công đường hô hấp trên, gây viêm họng dẫn đến đau rát khi ăn, uống nước, có thể cả nói chuyện. Người lớn cho con dùng đồ uống ấm, đồ ăn mát và mềm, loãng, dễ nuốt như súp, cháo, chuối, thanh long nhằm làm dịu cơn đau.
Nôn mửa và tiêu chảy
Triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy do cúm phổ biến trẻ em hơn người lớn. Nếu trẻ nôn mửa và tiêu chảy cùng mệt mỏi, ho, đau họng, có thể nguyên nhân do cúm. Lúc này, phụ huynh nên cho con uống nhiều nước để giữ đủ nước, liên hệ với bác sĩ khi trẻ mệt mỏi hoặc chóng mặt, không ăn uống được.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |