Ngày 26/5, GS.TS.BS Võ Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cấy van động mạch chủ qua ống thông có ưu điểm là ít xâm lấn, giải phóng tắc nghẽn cơ học ở van động mạch chủ, cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Kỹ thuật này cũng được mở rộng chỉ định cho bệnh nhân van động mạch chủ hai mảnh, hở van động mạch chủ đơn thuần. Sau hơn 2 thập kỷ, kỹ thuật được triển khai ở hơn 80 quốc gia, tốc độ gia tăng 40% số ca mỗi năm, với gần 3 triệu bệnh nhân trên thế giới. Các thiết bị mới ra đời, sử dụng những vật liệu tiên tiến, cải tiến về quy trình giúp thủ thuật đơn giản, an toàn.
Phương pháp kinh điển thường được áp dụng để thay van động mạch chủ là phẫu thuật tim hở. Giáo sư Nhân đánh giá nhược điểm của phương pháp này là phải cưa xương ức, chạy máy tim phổi nhân tạo, có thể biến chứng nhiễm trùng, nguy cơ ảnh hưởng hô hấp, để lại sẹo, thời gian nằm viện và phục hồi lâu. Bệnh nhân sau thay van phải dùng thuốc kháng đông thời gian dài, kiêng khem kỹ trong ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật do các bệnh lý nội khoa nặng nề kèm theo như bệnh mạch vành, suy tim trái nặng, suy thận, bệnh phổi, đái tháo đường... Hiện nay nếu áp dụng kỹ thuật TAVI, người bệnh không cần phẫu thuật.
Đơn cử bà Hạnh, 61 tuổi, bị hẹp van động mạch chủ nặng (hẹp khít), suy tim độ 3. Van động mạch chủ là van tim nằm giữa thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ đóng lại để ngăn dòng máu từ động mạch chủ chảy ngược về thất trái, giúp máu lưu thông đúng chiều từ tim đến các cơ quan khác.
Bà Hạnh được cấy (thay) van động mạch chủ qua ống thông bằng kỹ thuật TAVI. Bà không cần cưa xương ức, không chạy máy tim phổi nhân tạo tuần hoàn ngoài cơ thể, không gây mê toàn thân nên giảm nguy cơ biến chứng. Quá trình can thiệp chỉ qua một đường mở nhỏ (6-8 mm) nên giúp giảm mất máu, giảm đau, phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Thủ thuật hoàn tất sau hơn 2 giờ, van nằm đúng vị trí và không bị di lệch, bà Hạnh có thể ngồi dậy đi lại nhẹ nhàng vài giờ sau đó. Bà xuất viện 3 ngày sau, sinh hoạt và ăn uống như bình thường, không có hạn chế thể lực.
![]() |
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấy van động mạch chủ qua ống thông cho bệnh nhân. Ảnh: Thanh Luận |
Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van không thể mở ra hoàn toàn, làm giảm hoặc chặn lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể. Ban đầu, tim làm việc nhiều hơn để bù lại lượng máu thiếu hụt, đưa đến các cơ quan. Tuy nhiên đến một thời điểm nào đó, tim sẽ bị quá sức, dẫn đến phì đại cơ tim thất trái hoặc suy tim.
Hẹp van động mạch chủ được chia thành ba mức độ là hẹp nhẹ, hẹp vừa và hẹp khít. Mức độ hẹp càng tăng thì rủi ro suy tim càng lớn. Bệnh nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn tới biến chứng nghiêm trọng như viêm nội tâm mạc, loạn nhịp tim, đột quỵ do cục máu đông, tử vong.
Khi bị hẹp van động mạch chủ nhẹ, người bệnh không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu nào. Thỉnh thoảng các triệu chứng xuất hiện mờ nhạt khi hoạt động gắng sức. Theo giáo sư Nhân, đây là lý do khiến bà Hạnh có thể sống chung với bệnh trong nhiều năm, gần đây bệnh tiến triển gây suy tim nặng, cản trở sinh hoạt hàng ngày, bà mới cảm nhận triệu chứng rõ rệt.
![]() |
Giáo sư Nhân hỏi thăm sức khỏe bà Hạnh trước lúc xuất viện. Ảnh: Thanh Luận |
Phòng ngừa hẹp van động mạch chủ bằng cách kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm sốt thấp khớp (bệnh viêm họng có thể dẫn đến sốt thấp khớp nếu không được điều trị, gây nhiễm trùng các mô trong cơ thể trong đó có van tim), đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì và cholesterol cao. Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần hoặc khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tim mạch như đau ngực, khó thở, mệt mỏi kéo dài, loạn nhịp tim, giảm khả năng gắng sức...
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |