Trả lời:
Suy giáp là tình trạng thiếu hụt hormone giáp, ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa và nhiều quá trình khác trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây suy giáp, phổ biến nhất là bệnh tự miễn Hashimoto (xảy ra khi hệ thống miễn dịch tạo kháng thể và tấn công các mô khỏe mạnh). Một số nguyên nhân khác như viêm tuyến giáp, suy giáp sau phẫu thuật tuyến giáp, rối loạn tuyến yên, thiếu hoặc ăn quá nhiều iốt, suy giáp bẩm sinh, teo tuyến giáp do di truyền, tác động của thuốc.
Ban đầu, suy giáp chủ yếu gây mệt mỏi, tăng cân nhưng khi quá trình trao đổi chất chậm lại, người bệnh cảm thấy các dấu hiệu rõ hơn. Các triệu chứng suy giáp gồm mệt mỏi, nhạy cảm với thời tiết lạnh, táo bón, tăng cân, mặt sưng, giọng khàn, yếu cơ, đau cơ và cứng khớp, kinh nguyệt không đều. Da của người bệnh thường khô, bong tróc, mặt phù, tóc khô và gãy rụng nhiều bất thường.
Suy giáp không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây bướu cổ, các bệnh về tim mạch, bệnh thần kinh ngoại biên. Bệnh này còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, có khả năng gây vô sinh, rối loạn kinh nguyệt, giảm hoạt động của buồng trứng dẫn đến mãn kinh sớm. Người bệnh suy giáp có nguy cơ mất trí nhớ, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần nếu không điều trị. Bởi hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng ở khu vực não bộ, giúp ghi nhớ và kỹ năng nhận thức. Thiếu hormone tuyến giáp khiến quá trình này chậm lại, tăng nguy cơ sương mù não.
Bạn nên tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe tuyến giáp. Từ đó, bác sĩ điều chỉnh phác đồ nhằm kiểm soát triệu chứng suy giáp, ngăn biến chứng.
![]() |
Xét nghiệm máu để phát hiện sớm bệnh suy giáp. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Triệu chứng suy giáp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, thường tiến triển chậm, có thể kéo dài vài năm. Triệu chứng không đặc trưng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Người có nguy cơ bị suy giáp cao như người có tiền sử phẫu thuật tuyến giáp hoặc xạ trị vùng cổ, tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp. Trong hầu hết trường hợp, bệnh suy giáp được điều trị bằng thuốc uống làm tăng lượng hormone tuyến giáp, từ đó cải thiện triệu chứng do suy giáp gây ra.
Mỗi người nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh tuyến giáp, bổ sung iốt theo khuyến cáo, ưu tiên tảo bẹ, rong biển, sữa ngũ cốc và trứng vì giàu iốt. Trái cây, rau củ tươi, các loại gia vị (hạt tiêu, gừng ớt và quế), dầu cá, cá mòi, cá hồi, hạt lanh, thịt bò, cá bơn, đậu nành, tôm... cũng có lợi cho tuyến giáp. Các thực phẩm này giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, giảm các vấn đề về tuyến giáp trong cơ thể.
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |