ThS.BS.CKII Phạm Ngọc Danh Khoa, khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng sa sút trí tuệ phổ biến ở người cao tuổi, song ngày càng nhiều người 30-40 tuổi mắc bệnh.
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm chức năng trí tuệ và nhận thức, làm giảm khả năng hoạt động sống hàng ngày. Trong đó, bệnh do thoái hóa thần kinh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất. Sa sút trí tuệ cũng có thể xuất phát từ các bệnh lý khác như đột quỵ, mạch máu trong não bị tổn thương, tổn thương não do chấn thương, rối loạn nội tiết, sử dụng thuốc, lạm dụng chất kích thích. Bệnh khởi phát sớm đặc trưng bởi sự suy giảm bất thường về chức năng trí nhớ, ngôn ngữ, tính cách hoặc kỹ năng thị giác không gian (nhận biết về không gian).
Triệu chứng sa sút trí tuệ ở người trẻ ban đầu thường gặp gồm hay quên, giảm tập trung, thay đổi tính cách, hành vi, giảm khả năng nhận thức, suy luận hoặc giải quyết vấn đề. Dần dần họ mất khả năng ghi nhớ, chức năng nhận thức, suy nghĩ, tư duy. Mức độ nghiêm trọng có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất khả năng thực hiện những việc thường ngày, suy nhược cơ thể. "Những triệu chứng này khiến người bệnh có thể dễ nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi thông thường, căng thẳng do áp lực công việc hay rối loạn giấc ngủ", bác sĩ Khoa nói.
Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người trẻ tuổi không khác nhiều so với người lớn tuổi. Tuy nhiên tác động từ lối sống ít vận động, thiếu ngủ, lạm dụng rượu bia và áp lực công việc kéo dài làm gia tăng tình trạng này ở người trẻ. Theo bác sĩ Khoa, những người trẻ thường phụ thuộc vào công nghệ, ít vận động trí não có khả năng cao suy giảm khả năng ghi nhớ. Ngoài những yếu tố trên, các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường, đột quỵ sớm hoặc yếu tố di truyền (gia đình có tiền sử sa sút trí tuệ hoặc Alzheimer) cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh khởi phát sớm thường liên quan đến tổn thương tại thùy trán và thùy thái dương của não - những khu vực chịu trách nhiệm điều khiển ngôn ngữ, hành vi và nhận thức không gian. Các triệu chứng dễ nhận thấy bao gồm khó tìm từ khi nói chuyện, hành vi bất thường hoặc mất khả năng định hướng. Ví dụ, một người có thể quên cách sử dụng các đồ vật quen thuộc như điều khiển tivi hoặc không nhận ra không gian xung quanh.
![]() |
Bác sĩ kiểm tra nhận thức, hành vi của người bệnh để đánh giá tình trạng sa sút trí tuệ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Đơn cử anh Tuấn, 41 tuổi, vài tháng nay thường bỏ quên ví, kính mắt, chìa khóa ở nhà khi đi làm. Nhiều lần đi xe ở khu vực quen thuộc anh cũng bất chợt quên đường, phải mất một thời gian ngắn mới nhớ. Còn chị Hồng, 38 tuổi, thường xuyên quên những việc vừa nói xong, giảm tập trung kéo dài. Phần lớn các thời hạn cần hoàn thành công việc chị đều không nhớ.
Bác sĩ Khoa cho biết hai bệnh nhân bị sa sút trí tuệ sớm, khi còn trẻ, hiện bệnh ở giai đoạn đầu, cần điều trị, thay đổi lối sống để ngăn tình trạng tiến triển. Bác sĩ khuyến cáo người từ 40 tuổi, nhất là nhóm nguy cơ cao nên tầm soát định kỳ. Khi có các biểu hiện nghi ngờ của chứng sa sút trí tuệ, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa thần kinh để khám, điều trị càng sớm càng tốt. Hiện, sa sút trí tuệ chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng can thiệp kịp thời có thể làm chậm tiến trình bệnh.
![]() |
Chụp MRI 3 Tesla khảo sát cấu trúc não, xoang, mạch máu não... giúp tầm soát sớm sa sút trí tuệ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ngủ đủ giấc, ăn uống khoa học, ưu tiên rau củ quả... Bổ sung các dưỡng chất thiên nhiên như từ blueberry (việt quất) và ginkgo biloba (bạch quả) có tác dụng chống gốc tự do, hỗ trợ ngăn ngừa tác hại của gốc tự do, từ đó não khỏe mạnh, cải thiện trí nhớ tốt hơn. Hạn chế rượu bia, chất béo đồng thời duy trì các hoạt động kích thích trí não như đọc sách, chơi cờ, học kỹ năng mới phòng tránh tình trạng não lão hóa sớm.
Phương Phạm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |