BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết kết quả xét nghiệm vi sinh mẫu tổn thương da của ông Hưng cho thấy hiện diện rất nhiều ký sinh trùng ghẻ Sarcoptes scabiei. Đây là ký sinh trùng lây lan qua tiếp xúc gần hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân. Biểu hiện thường gặp là ngứa về đêm, mụn nước nhỏ, sẩn đỏ hoặc các đường dài ngoằn ngoèo màu xám tập trung ở vùng nếp gấp. Như ông Hưng cho hay ba năm qua thường ngứa dữ dội, nhất là về đêm, đi khám được chẩn đoán viêm da cơ địa, dùng thuốc chống dị ứng không bớt.
Các triệu chứng bệnh ghẻ thường không điển hình. Da đỏ nhiều, thương tổn lan rộng toàn thân và ở nhiều vị trí ngoài vùng nếp gấp nên dễ chẩn đoán nhầm với dị ứng hoặc do bệnh lý nền. "Ghẻ là bệnh da liễu phổ biến nhưng dễ bị bỏ sót, nhất là với người cao tuổi", bác sĩ Dung nói, thêm rằng ông Hưng mắc nhiều bệnh nền gồm cường giáp, tiểu đường và hội chứng Cushing làm suy giảm hệ miễn dịch.
![]() |
Bác sĩ Dung kiểm tra tình trạng ghẻ của ông Hưng. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 |
Bác sĩ chỉ định ông Hưng dùng thuốc uống và thuốc bôi ngoài da, phối hợp các chuyên khoa điều trị bệnh nền. Tái khám sau một tuần, ông giảm ngứa khoảng 90%, tổn thương ngoài da do ghẻ cũng lành. Vợ ông Hưng cũng được chẩn đoán mắc ghẻ, điều trị cùng chồng.
Bệnh này dễ lây lan khi tiếp xúc gần với nguồn lây như dùng chung vật dụng của người bệnh, không vệ sinh cá nhân đúng cách. Bệnh dễ tái phát, điều trị dai dẳng và kém đáp ứng. Với người cao tuổi hoặc người có bệnh mạn tính, ghẻ kéo dài có thể diễn tiến chàm hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống như rối loạn giấc ngủ, tâm lý và khả năng kiểm soát bệnh nền.
Bác sĩ Dung khuyến cáo khi bị ngứa âm ỉ kéo dài và tái phát, nên đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu khám và điều trị, tránh bệnh diễn tiến nặng.
Minh Hương
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |