Kết quả chụp cộng hưởng từ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ông Luận thoát vị đĩa đệm nặng tại hai vị trí L4-L5 và L5-S1. Trong đó, vị trí L4-L5 có khối lồi lớn gần 12 mm chiếm trọn ống sống theo chiều trước - sau, tổn thương tủy, chèn ép nặng rễ thần kinh L5 bên trái. Ống sống đồng thời bị hẹp mức độ trung bình do phì đại dây chằng vàng. Ở tầng L5-S1, đĩa đệm lệch phải, chèn ép nặng vào rễ thần kinh S1 bên phải.
Ngày 18/7, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh - Cột sống, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hai đĩa đệm gần như đã xơ hóa và xẹp cứng, người bệnh không còn đáp ứng với điều trị bảo tồn, cần phải phẫu thuật loại bỏ các khối thoát vị, giải ép ống sống, tủy sống, rễ thần kinh.
![]() |
Bác sĩ bóc tách khối thoát vị lớn 12 mm cho ông Luận với hỗ trợ của kính vi phẫu AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Nhờ hình ảnh phóng đại độ phân giải cao từ kính vi phẫu tích hợp AI, các bác sĩ quan sát rõ từng sợi rễ thần kinh, bóc tách khối thoát vị chính xác và an toàn, hạn chế tối đa tác động lên các mô lành lân cận. Khối thoát vị tại vị trí L4-L5 được lấy từng phần qua đường mổ nhỏ cho đến khi bóc tách triệt để, tiếp đến êkíp giải phóng rễ thần kinh S1 bị chèn ép ở tầng L5-S1.
Sau phẫu thuật, ông Luận có thể ngồi dậy và đi lại trong phòng, hết đau, chỉ còn cảm giác châm chích nhẹ như kiến bò tại vết mổ. Một ngày sau, bệnh nhân đi lại bình thường, xuất viện sau ba ngày theo dõi.
![]() |
Bác sĩ kiểm tra vết mổ của ông Luận trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy bên trong đĩa đệm thoát ra khỏi vòng sợi, chèn ép lên rễ thần kinh gây đau vùng lưng, mông, chân hoặc tay - tùy theo vị trí tổn thương. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, giai đoạn đầu có thể chỉ là đau lưng nhẹ, nhưng theo thời gian, tình trạng tê bì, yếu cơ, teo cơ và hạn chế vận động sẽ xuất hiện. Nếu không được điều trị kịp thời, rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày có thể xơ hóa và mất hoàn toàn chức năng vận động.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau, giãn cơ hoặc kháng viêm nhằm kiểm soát triệu chứng thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp giúp giảm triệu chứng tạm thời, không thể điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh. Khi cơn đau lan xuống chân, đặc biệt kèm theo tê hoặc yếu cơ, người bệnh nên đi khám sớm, chụp MRI, điều trị kịp thời giúp tăng khả năng hồi phục sau này.
Lan Anh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |