Nhiều người hay thức khuya làm việc, sinh hoạt, có khi đến 2-3h và ngủ bù vào sáng hôm sau để đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng. Tuy nhiên, thói quen "cú đêm" làm thay đổi đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể, tiềm ẩn nhiều tác hại đến sức khỏe.
Trầm cảm và tâm trạng kém
Hoạt động nhiều vào buổi tối ảnh hưởng đến hoạt động và thời gian não nghỉ ngơi, làm suy giảm chức năng nhận thức. Khả năng suy nghĩ, tập trung cũng có xu hướng kém đi do tác động của thói quen thức khuya gây thiếu năng lượng, kém tỉnh táo.
Huyết áp cao
Nếu bạn thức khuya và ngủ nướng vào buổi sáng, áp lực máu tác động lên thành động mạch sẽ cao, ảnh hưởng khả năng kiểm soát huyết áp, gây ra các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Để giữ huyết áp khỏe mạnh, người lớn nên duy trì thói quen ngủ đều đặn, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 5 buổi mỗi tuần trong khoảng 30-60 phút một lần tập. Tránh căng thẳng, áp lực, ăn uống khoa học.
Thiếu động lực tập luyện
Thức khuya khiến bạn thiếu năng lượng, uể oải vào ngày hôm sau, giảm động lực tập luyện vận động. Tình trạng này dễ dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ viêm và mắc nhiều bệnh lý.
Khó kiểm soát bệnh tiểu đường
Khi thức khuya, cơ thể không được nghỉ ngơi đúng cách, làm rối loạn hormone, giảm độ nhạy insulin. Lúc này quá trình sản xuất hormone insulin bị xáo trộn, tăng nguy cơ kháng insulin và đường huyết cao. Người thức khuya có xu hướng ăn đêm, dễ làm tăng lượng đường trong máu, tích tụ calo gây tăng cân, các yếu tố không có lợi cho sức khỏe của người bệnh tiểu đường.
Buồn ngủ vào ban ngày
Người có nhịp sinh học muộn thường cảm thấy mệt mỏi và kém tỉnh táo hơn so với ngủ đúng giờ và đủ giấc. Thiếu ngủ làm giảm thời gian não bộ được nghỉ ngơi và phục hồi, ảnh hưởng đến khả năng tập trung, chậm phản ứng, khả năng xử lý công việc kém. Buồn ngủ vào ban ngày còn là nguyên nhân gây ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông.
Tăng cân
Ngủ không đủ giấc gây ra tác hại kép đối với việc quản lý cân nặng. Thức khuya có thể khiến bạn ăn vặt nhiều hơn, nhất là thực phẩm giàu chất béo và chất bột đường. Thực phẩm giàu năng lượng chứa nhiều calo, làm tích tụ mỡ. Ngủ không đủ giấc làm giảm nồng độ leptin (hormone tạo cảm giác no) và tăng nồng độ ghrelin (hormone tạo cảm giác đói).
Để thiết lập lại nhịp sinh học ổn định, mỗi người nên đi ngủ sớm hơn, sau đó ngủ vào một giờ cố định. Phòng ngủ cần đủ mát, tránh ánh sáng mạnh, yên tĩnh. Tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để não bộ lập trình lại thời gian ngủ và thức. Bổ sung thực phẩm giàu melatonin giúp kích thích cơn buồn ngủ.
Anh Chi (Theo Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |