Trả lời:
Ung thư phổi di căn màng phổi xảy ra khi tế bào ung thư từ phổi lan rộng và xâm lấn sang lớp màng bao quanh phổi. Trong quá trình tiến triển bệnh, các tế bào ung thư có thể tách ra khỏi khối u phổi ban đầu, xâm lấn vào các mô lân cận hoặc lan theo đường máu và hệ bạch huyết - được ví như con đường vận chuyển tự nhiên trong cơ thể.
Khi tế bào ung thư đến được màng phổi, chúng có thể sinh sôi, phát triển, từ đó hình thành nên ổ di căn mới. Tình trạng này gây tràn dịch màng phổi khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực. Ung thư phổi di căn màng phổi thường gặp ở người bệnh ung thư giai đoạn cuối khiến quá trình điều trị phức tạp hơn, tiên lượng bệnh nặng hơn nếu không được kiểm soát kịp thời.
![]() |
Êkíp bác sĩ nội soi điều trị người bệnh bị tràn dịch màng phổi. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Người bệnh có thể gặp nhiều triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài, bao gồm ho khan hoặc ho có đờm kéo dài, không giảm, ho ra máu, đờm có lẫn máu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, đau tức ngực âm ỉ hoặc dữ dội, khó thở tăng dần, nhất là khi vận động nhẹ như đi lại, leo cầu thang. Người bệnh có cảm giác hụt hơi ngay cả khi nghỉ ngơi, mệt mỏi, ăn kém, sụt cân nhanh. Nhiều trường hợp xuất hiện hội chứng suy mòn (mất khối cơ và mỡ không thể hồi phục) khiến sức khỏe giảm rõ rệt. Những triệu chứng này ảnh hưởng đến chất lượng sống, cho thấy mức độ lan rộng của bệnh cần được điều trị tích cực.
Điều trị ung thư phổi di căn màng phổi phụ thuộc vào giai đoạn, thể ung thư, tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:
Hóa trị: Sử dụng các thuốc đường tĩnh mạch tấn công các tế bào ung thư. Tuy có hiệu quả toàn thân song hóa trị cũng có thể gây ảnh hưởng đến các mô lành như niêm mạc, tóc, da...
Xạ trị: Dùng tia xạ vào vùng tổn thương để kiểm soát khối u.
Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng thuốc giúp hệ miễn dịch nhận diện, tiêu diệt tế bào ung thư.
Liệu pháp nhắm trúng đích: Tác động trực tiếp đến các đột biến gene hoặc protein bất thường của tế bào ung thư, làm chậm tiến triển bệnh, ít ảnh hưởng đến tế bào bình thường.
Bố bạn có những triệu chứng đau ngực, khó thở nên đến bác sĩ tái khám sớm, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Anh Thư
Khoa Hô hấp
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |