Niêm mạc ống tai của bệnh nhân bị kích ứng, sung huyết nhẹ. ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, dùng thuốc xịt tê con bọ sau đó dùng dụng cụ nội soi chuyên dụng gắp ra ngoài, vệ sinh tai bệnh nhân chống nhiễm trùng và kê thuốc điều trị viêm.
"Tôi rất bất ngờ khi phát hiện con bọ sống trong tai, chỉ nghĩ là bị viêm hay nấm tai cả tuần nay", bệnh nhân cho hay. Bác sĩ Hương cho rằng chị Ly may mắn bởi con bọ còn nhỏ, sống trong tai nhiều ngày nhưng chưa gây tổn thương màng nhĩ.
Thông thường khi côn trùng chui vào tai người có thể tiết ra chất gây kích ứng niêm mạc ống tai, mang theo vi khuẩn dễ khiến tai nhiễm trùng. Nếu còn sống, chúng thường vùng vẫy, ngọ nguậy khiến người bệnh đau nhức và nghe tiếng rột rạc trong tai hoặc chúng cắn gây chảy máu, phù nề, xước ống tai, thủng màng nhĩ, nhiễm trùng. Côn trùng chết trong tai mà không được lấy ra đúng cách sẽ phân hủy và trở thành ổ vi khuẩn gây viêm ống tai ngoài, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm...
Để xử trí khi côn trùng chui vào tai, nên nằm nghiêng đầu về phía có dị vật, dùng nước muối sinh lý ấm nhỏ ngập tai để chúng tự chui ra hoặc chết ngạt. Sau đó, đến bệnh viện để bác sĩ gắp ra, vệ sinh tai sạch sẽ tránh nhiễm trùng, nhỏ thuốc đều đặn phòng ngừa viêm nhiễm.
Trường hợp đau tai dữ dội, người bệnh cần đến bệnh viện sớm để được xử lý. Không dùng tay hay các dụng cụ khác chọc vào tai khiến côn trùng kích động chạy sâu vào trong gây tổn thương màng nhĩ. Không sử dụng các phương pháp dân gian như hơ lá, xông hơi tai.
Bác sĩ Hương khuyến cáo nên ngủ ở nơi cao ráo, thoáng mát; có thể sử dụng nút bịt tai mềm để bảo vệ tai trong lúc ngủ. Vệ sinh phòng ngủ thường xuyên, dọn dẹp gầm giường, góc khuất, những nơi côn trùng dễ trú ngụ.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |