![]() |
![]() |
Căn nhà cổ từng thuộc về tri huyện Gò Đen - Phạm Văn Huynh (còn gọi là Huyện Huynh, ảnh sau), được công nhận di tích cấp thành phố năm 2014.
Ông Huỳnh Kim Phú, 66 tuổi (cháu 4 đời) hiện trông coi ngôi nhà cho biết, ông Phạm Văn Huynh có gốc tích ở vùng Chợ Lớn. Sinh ra trong gia đình giàu có, ông Huynh sang Pháp học từ nhỏ. Về nước, ông được bổ nhiệm làm tri huyện Gò Đen- vùng đất kéo dài từ huyện Bình Chánh cũ đến Bến Lức (Long An) ngày nay.
![]() |
Ông Huỳnh Kim Phú bên căn nhà của tri huyện, giờ dùng làm từ đường của dòng tộc, sáng 24/7.
Theo ông Phú, khi mới nhậm chức, khoảng năm 1885 Huyện Huynh mua ngôi nhà này của một người giàu ở địa phương, lúc ấy đang xây dang dở. Vị quan cũng giữ lại toàn bộ thợ thuyền đến từ miền Trung để tiếp tục dựng nhà và hoàn tất năm 1900.
Ông quan huyện Gò Đen thuộc tầng lớp giàu có trong vùng, đất đai rộng bạt ngàn. Ông Huyện Huynh giao đất cho tá điền trồng lúa và thu thuế. Con rạch nhỏ nằm gần vẫn còn tồn tại đến ngày nay cũng là nơi khi xưa hàng loạt ghe của tá điền cập bến đong lúa.
![]() |
Ngôi nhà cổ sơn màu trắng, chiều ngang 13 m, dài 21 m, nằm cuối con hẻm bên quốc lộ 1, xung quanh là vườn cây cối xanh ngát. Nhiều cây trong vườn có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. |
![]() |
Nhà được xây dựng trên nền cao kiên cố, tường gạch, bậc tam cấp xây bằng gạch đỏ truyền thống. Hệ thống cửa chính, phụ đều bằng gỗ và chạm trổ đơn giản, được trang trí nhiều cây cảnh xung quanh. |
![]() |
![]() |
Mái lợp bằng ngói âm dương, loại phổ biến trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Phần đỉnh nóc được trang trí bằng các hoa văn đắp nổi. Theo gia chủ, mái nhà phần lớn còn giữ nguyên lớp ngói từ lúc mới xây dựng. |
![]() |
![]() |
Kiến trúc mang nét nhà cổ Nam Bộ với gian chính ở trung tâm của khuôn viên, thiết kế theo kiểu "tam gian nhị hạ", ba gian hai chái. Nền lót gạch tàu hình lục giác màu đỏ, khung cửa không chạm khắc và sơn son thếp vàng. Bộ giàn kèo với 36 cột lam bằng gỗ quý như căm xe, mật; có hình trụ tròn kê trên đá xanh. |
![]() |
Trên trần còn treo bức hoành phi chữ Hán bằng gỗ cẩn ốc tên Long Quang hiệu, chế tác năm 1900, khi ngôi nhà vừa hoàn thành. Theo ông Phú, đây là hiện vật xưa nhất, chứng tỏ được giá trị lịch sử của căn nhà. |
![]() |
![]() |
Nội thất nhà bài trí nhiều hiện vật như bộ trường kỷ, đôn gốm sứ, hoành phi, liễn đối, các tủ, bàn ghế gỗ... có từ lâu đời. Mặt tiền gian chính có treo giấy khen, huân chương kháng chiến.
Thời Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, căn nhà là nơi trú ẩn của nhiều cán bộ Việt Minh. Trong đó có cố giáo sư Trần Văn Giàu và nhà cách mạng Ung Văn Khiêm, khi hai người chạy trốn sự vây ráp của quân Pháp. Đây cũng từng là cơ sở hội họp của Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ.
![]() |
![]() |
Từ cột nhà đến các đồ dùng như khám thờ, bàn ghế đều được chạm khắc tỉ mỉ, công phu với đa dạng đề tài. Từ ngày tạo lập đến nay, ngôi nhà đã trải qua 4 lần trùng tu, sửa chữa vào các năm 1923, 1996, 2004, 2006. |
![]() |
Mặt tiền ngôi nhà bài trí 3 khám thờ, mang nét cổ kính với bộ lư hương, đèn thờ, hoành phi, tranh kiếng. Trong đó bàn chính giữa thờ tổ tiên, một bên thờ và đặt di ảnh ông Phạm Văn Huynh. |
![]() |
Phía trước nhà đối diện cửa chính nhìn ra khoảng sân rộng là miếu thờ Thiên và Ngũ hành Nương Nương.
Hiện căn nhà cổ chủ yếu làm nơi thờ cúng, đón khách tham quan, các đoàn làm phim... Gia đình ông Phú ở trong nhà khác phía sau từ đường, cũng trong khu đất của dòng tộc.
![]() |
Không gian bao quanh bởi vườn cây, ao cá, rạch nước với diện tích hơn 2.000 m2. Theo ông Phú, ngày xưa đất của gia đình còn rộng hơn, nhưng từ trước 1975 được chính quyền cũ trưng dụng, bồi thường để chia cho nông dân trồng trọt.
"Căn nhà cũng xuống cấp dần theo thời gian, tôi mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để tu sửa lại, giữ cho di tích của thành phố bền vững", ông Phú nói.
Quỳnh Trần