Số liệu từ Cơ quan tư vấn tòa án Gia đình và Trẻ em (Cafcass) công bố giữa tháng 7 cho biết trong giai đoạn từ 2020 đến 2025, số đơn đăng ký xin có con nhờ phương pháp mang thai hộ của những người đã ngoài 80 tuổi đang tăng lên đáng kể.
Cafcass không tiết lộ con số chính xác vì lo ngại quyền riêng tư.
Dữ liệu của Cafcass cũng cho thấy xu hướng người lớn tuổi ở Anh có con nhờ mang thai hộ đang tăng lên. Giai đoạn 2020-2025 ghi nhận 416 đơn từ người ở độ tuổi 50 và 43 đơn ở tuổi 60. Đặc biệt, số đơn từ nam giới tuổi 50 đã tăng hơn gấp đôi, từ 44 trường hợp năm 2020 lên 95 trường hợp vào đầu năm 2025.
Helen Gibson, người sáng lập nhóm vận động Surrogacy Concern, nói bất ngờ khi thấy những người ở độ tuổi 60, 70 và thậm chí 80 nộp đơn xin làm cha mẹ nhờ phương pháp mang thai hộ. Bà cho rằng đây một hành động ích kỷ.
Theo người sáng lập, điều đáng lo ngại hơn là những con số này đang tăng đều mỗi năm. "Thật nực cười khi mọi người có thể có con nhờ mang thai hộ hàng chục năm sau khi đã qua tuổi sinh sản tự nhiên. Chính phủ phải cân nhắc kỹ lưỡng xem điều này có vì lợi ích của đứa trẻ hay không", bà Gibson nhấn mạnh.
![]() |
Nhiều người lớn tuổi ở Anh đã có con nhờ các phương pháp mang thai hộ. Ảnh minh họa: FatCamera |
Mang thai hộ ở Anh là hợp pháp, nhưng luật pháp ngăn cấm các thỏa thuận thương mại. Điều này có nghĩa là việc trả tiền cho người mang thai hộ nhiều hơn mức "chi phí hợp lý" - thường khoảng 12.000 - 15.000 bảng là bất hợp pháp. Theo luật, người mang thai hộ được coi là mẹ hợp pháp khi sinh con. Các cặp vợ chồng có thể nộp đơn lên tòa án trong vòng 6 tháng sau khi em bé chào đời để có toàn quyền nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, nhiều người đang theo đuổi mơ ước làm cha mẹ ở tuổi xế chiều bằng cách tìm đến dịch vụ mang thai hộ ở nước ngoài. "Chính phủ cần phải khẩn trương ngăn chặn các đơn xin con theo cách này", bà Gibson nói.
Tháng 5/2025, cặp vợ chồng 72 tuổi tại Anh đã được tòa án chấp thuận trở thành cha mẹ hợp pháp của bé trai 14 tháng tuổi, chào đời bằng phương pháp mang thai hộ. Quyết định này được đưa ra bất chấp lo ngại của thẩm phán về việc họ có thể qua đời trước khi con trưởng thành.
Nỗ lực có con của họ bắt đầu khi con trai 27 tuổi qua đời vì ung thư vào năm 2020. Trước đó, cả hai từng nhiều lần thử thụ tinh ống nghiệm (IVF) nhưng không thành công.
Thẩm phán Justice Knowles công khai vụ việc vì đặt ra "vấn đề phúc lợi quan trọng". Bà nhận định: "Khi đứa trẻ bắt đầu đi học tiểu học, vợ chồng này đều 76 tuổi. Họ sẽ 89 tuổi khi đứa bé tròn 18".
Theo phán quyết, cặp vợ chồng đã chi hơn 151.000 bảng cho người mang thai hộ và công ty môi giới. Tuy nhiên, tòa án chỉ công nhận 24.600 bảng Anh là "chi phí hợp lý".
Đôi vợ chồng già đang chăm sóc con với sự hỗ trợ của người trông trẻ toàn thời gian. Họ cũng đã lập di chúc, ủy quyền cho người thân làm giám hộ của con, phòng trường hợp bất trắc.
Hiện tại, Anh không có giới hạn độ tuổi đối với người muốn có con qua mang thai hộ. Tuy nhiên các nhà vận động đang kêu gọi chính phủ hành động.
Bà Lexi Ellingsworth từ tổ chức Stop Surrogacy Now UK tuyên bố: "Đây là một lỗ hổng nghiêm trọng cho phép mọi người lách luật cấm mang thai hộ thương mại trong nước. Chính phủ phải đóng lỗ hổng này ngay lập tức".
Minh Phương (Theo Dailymail)