An cho biết người gọi đọc đúng tên, địa chỉ nhà, nên cô đinh ninh đó là món hàng đang chờ nhận. "Nếu không kiểm tra ở kênh bán, có thể tôi đã mất một khoản tiền lớn hơn mức 35.000 đồng mà shipper yêu cầu", An nói.
Còn với Phương Anh (chủ shop bán nhạc cụ tại Hà Nội), cô cho biết từng có nhiều khách hàng gọi đến cửa hàng để nhờ kiểm tra vì shipper yêu cầu bấm đường link để hỗ trợ bồi thường do đơn hàng bị hỏng. Các cuộc gọi từ những shipper này có điểm chung: đọc trôi chảy toàn bộ thông tin đơn hàng, nói rằng cây đàn khách đặt bị hỏng nặng trong quá trình vận chuyển, nên bên giao hàng sẽ bồi thường tiền. Muốn được hoàn tiền thì người nhận phải bấm vào đường link và làm theo hướng dẫn.
"Cách hiệu quả nhất là kiểm tra với bên bán và không nhập những thông tin cá nhân, tài khoản vào những đường link không uy tín", Phương Anh nói thêm.
Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) khuyến cáo người dùng không nên thanh toán bất kỳ khoản phí nào khi chưa kiểm tra và nhận hàng. Ngoài ra cần tránh truy cập vào các đường link gửi qua tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc, nhất là các liên kết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc NCSC để được hỗ trợ kịp thời.
Ngoài việc kiểm tra và cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, Lê Tâm (Đà Nẵng) luôn chú trọng bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình mua sắm trực tuyến. Một số cửa hàng có hình thức để lại bình luận mua hàng bao gồm các thông tin cá nhân như điện thoại, địa chỉ để được tư vấn trong các bài đăng trên mạng xã hội hoặc qua các phiên livestream. Nhưng Tâm cho rằng việc này có thể mang đến nhiều rủi ro. Thực tế, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng trên kênh số tránh chia sẻ hình ảnh giấy tờ cá nhân, địa chỉ sinh sống, số điện thoại.
Một cách khác để phòng ngừa rủi ro bị lộ thông tin của Hoài Thương (Hà Nội) là tránh tham gia các chương trình khuyến mại, nhận thưởng từ các kênh chưa được xác thực trên mạng xã hội hoặc website lạ. Một số đơn vị có thể mạo danh nhãn hàng uy tín, người dùng nên kiểm tra tên miền, tên miền và chỉ cung cấp thông tin tại các nền tảng đáng tin cậy như website có chứng chỉ bảo mật HTTPS. Trước khi thực hiện giao dịch hoặc chia sẻ thông tin, cần đối chiếu tên thương hiệu, logo để tránh trường hợp mạo danh. Tài khoản mua sắm trực tuyến nên được bảo vệ bằng mật khẩu mạnh, bật xác thực hai lớp (2FA), thay đổi mật khẩu định kỳ và không lưu thông tin thẻ ngân hàng nếu không thực sự cần thiết.
Với hình thức nhận hàng trực tiếp, đại diện Vietnam Post - doanh nghiệp bưu chính thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết bưu tá chính thống luôn mặc đồng phục đúng nhận diện thương hiệu, gọi điện xác nhận trước và không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển khoản hay thanh toán trước. Trong khi đó, các đối tượng giả mạo thường sử dụng giọng điệu gấp gáp, nài nỉ hoặc đe dọa, đánh vào tâm lý lo sợ của người nhận để buộc họ chuyển tiền hoặc tiết lộ thông tin nhạy cảm.
![]() |
Bưu tá của Vietnam Post luôn mặc đồng phục nhận diện thương hiệu, không yêu cầu thanh toán trước. Ảnh: Vietnam Post |
Khi nhận hàng, người dùng cần đối chiếu thông tin người giao với nội dung hiển thị trên ứng dụng, kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán. Các gói hàng nên được xử lý cẩn thận sau khi mở, bằng cách xé nhỏ hoặc làm mờ thông tin cá nhân trước khi vứt bỏ. Việc cập nhật thường xuyên các cảnh báo từ sàn thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển và cơ quan chức năng cũng giúp người dùng chủ động hơn trong việc phòng tránh các hình thức lừa đảo.
Thái Anh