Sáng 28/4, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cho biết đến nay các địa phương đã hoàn thành đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh gửi về Bộ để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, 20 địa phương đã nộp hồ sơ đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Theo chủ trương thống nhất của Trung ương về tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cả nước dự kiến sẽ giảm 60-70% số lượng xã, phường so với hiện nay. Tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư là cấp xã phải gần dân, sát dân, do đó quy mô sau sáp nhập không được quá lớn.
Các địa phương sẽ căn cứ vào tỷ lệ giảm trên để tiến hành sắp xếp. Tùy tình hình thực tế, có địa phương giảm nhiều (sáp nhập 6-7 đơn vị nhỏ thành một), có địa phương giảm ít hơn (sáp nhập 2-3 đơn vị rộng thành một), nhưng toàn quốc phải đảm bảo mục tiêu giảm 60-70%. "Bước đầu chúng tôi ước tính sau khi sáp nhập, toàn quốc sẽ còn khoảng 3.300 xã, phường, đặc khu", ông Tuấn nói.
Con số ước tính này cho thấy sự điều chỉnh so với các thông tin trước đó về số lượng xã phường giảm sau sáp nhập trên cả nước. Hồi đầu tháng 3, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ giảm từ 10.035 xuống còn 2.500. Tiếp đó, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại điều chỉnh số lượng xã phường sau sáp nhập, lần lượt là 3.000 rồi 5.000.
![]() |
Ông Phan Trung Tuấn. Ảnh: Cổng thông tin Quốc hội |
Giám đốc Sở có thể làm Bí thư xã, phường
Ông Phan Trung Tuấn cũng cho biết khi sáp nhập tỉnh xã và bỏ cấp huyện, số lượng lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức sẽ "cơ bản" chuyển về xã phường mới. Nhiệm vụ của cấp huyện cũng cơ bản được chuyển về cấp xã, một số ít chuyển lên tỉnh. Các giám đốc sở, tỉnh ủy viên, thành ủy viên có thể được bố trí làm bí thư xã, phường. Xã phường quan trọng sẽ được bố trí ủy viên thường vụ tỉnh ủy làm bí thư.
Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp đã được "giao toàn quyền cho địa phương", song theo ông Tuấn có thể dùng tên xã cũ, tên danh nhân, địa danh lịch sử hoặc dùng tên cấp huyện cũ đặt tên cho xã phường mới. "Cần làm sao để việc đặt tên xã phường mới hiệu quả trong quản lý và tạo đồng thuận nhất của người dân", ông Tuấn nêu quan điểm.
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, có 11 tỉnh, thành phố sẽ giữ nguyên trạng, bao gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng. 52 địa phương khác sẽ tiến hành sáp nhập để còn lại 23 tỉnh, thành phố. Như vậy, cả nước sẽ có tổng cộng 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước sẽ giảm khoảng 60-70% so với hiện nay.
Vũ Tuân