Chiều 28/4, tại hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã xem xét, cho ý kiến và thống nhất cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Trình bày tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho hay căn cứ vào định hướng của Trung ương, thành phố đề xuất tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay và theo quy định của Luật Thủ đô năm 2024.
Cơ quan HĐND cấp cơ sở gồm chủ tịch HĐND (kiêm nhiệm) và một phó chủ tịch (chuyên trách). Cơ quan dân cử cấp cơ sở có hai ban là Pháp chế và Kinh tế - Xã hội, trong đó mỗi ban có trưởng ban (kiêm nhiệm), một phó trưởng ban (chuyên trách).
Cơ quan của UBND cấp cơ sở gồm chủ tịch UBND (chuyên trách) và hai phó chủ tịch. Trong đó một phó chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND; một phó chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công.
![]() |
Một góc phường Hoàng Liệt, phường có số dân đông nhất Thủ đô, nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Thành |
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, UBND cấp xã có 4 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã)/Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường); Phòng Văn hóa - Xã hội và Trung tâm phục vụ hành chính công.
Phó chủ tịch Lê Hồng Sơn cho biết thành phố đang thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công tập trung. Đây là mô hình tổ chức hành chính, không phải cơ quan chuyên môn thuộc UBND, do đó đề nghị tiếp tục thực hiện.
Về biên chế, ông Sơn cho hay trước mắt thành phố sử dụng số biên chế hiện có của cấp huyện, cấp xã để bố trí về công tác ở đơn vị hành chính cấp xã mới và thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của Trung ương. Ngoài chỉ tiêu biên chế của Trung ương giao cho cấp cơ sở (theo hướng dẫn mỗi xã phường khoảng 32 người, không bao gồm khối Đảng, đoàn thể), thành phố sẽ kiến nghị Trung ương cho phép bố trí thêm hệ số K (từ 1,5 đến 2 lần) tính theo quy mô dân số và đặc điểm kinh tế - xã hội của thành phố để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đề xuất hệ số K xuất phát từ dự kiến sau sắp xếp Hà Nội giảm từ 526 đơn vị hành chính cấp xã xuống 126 (73 xã, 53 phường), trong đó 4 đơn vị có số dân vượt qua mốc 100.000, gồm: Xuân Phương (gần 109.000); Phù Đổng (trên 117.000); Đông Anh (hơn 116.000) và Hồng Hà (126.000).
Hiện thành phố có phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có dân số gần 100.000. Dân đông nhưng biên chế bộ máy chính quyền cơ sở theo quy định chung như với địa bàn khác dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý, gây quá tải hạ tầng kinh tế xã hội. Phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào trường Mầm non Hoàng Liệt (công lập) vì số đăng ký gấp đôi chỉ tiêu.
![]() |
Phường Hồng Hà dự kiến có dân số đông nhất (126.000 người) trong 126 phường, xã mới của Thủ đô. Nguồn: UBND TP Hà Nội |
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp cơ sở, trong lĩnh vực giáo dục, thành phố giữ nguyên các trường THCS, tiểu học, mầm non công lập và chuyển giao cho cấp xã quản lý. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc UBND cấp huyện hiện nay sẽ chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và tổ chức lại để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Lĩnh vực y tế, trước mắt thành phố duy trì các trạm y tế xã, phường hiện có. Sau sắp xếp, căn cứ vào diện tích, quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã mới, thành phố sẽ tổ chức lại trạm y tế các xã thành một trạm trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ. Các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa thuộc UBND cấp huyện sẽ chuyển về Sở Y tế quản lý để sắp xếp, tổ chức cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Thành phố sẽ tổ chức một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã do nhà nước đảm bảo chi 100% để cung ứng dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn (dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin, truyền thông, nông nghiệp, môi trường...).
Một đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên thuộc UBND cấp xã sẽ được thành lập để cung ứng dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý dự án đầu tư, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng, quản lý công viên, cây xanh, nghĩa trang, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn trên địa bàn.
Đối với thôn, tổ dân phố, trước mắt thành phố giữ nguyên. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, căn cứ hướng dẫn của Chính phủ, Hà Nội sẽ nghiên cứu và xác định lộ trình tổ chức lại thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống cộng đồng dân cư. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ có thể tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố.
Thảo luận về đề án, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định và Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm bày tỏ nhất trí cao với phương án sắp xếp của thành phố, đồng thời đề xuất Thành ủy sớm hướng dẫn cụ thể về việc bố trí cán bộ đơn vị hành chính cấp xã mới và sử dụng trụ sở cơ quan, đơn vị sau sắp xếp. Bí thư Mê Linh kiến nghị duy trì mô hình Trung tâm phát triển quỹ đất để tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn lực liên quan công tác đấu giá đất tại địa phương.
![]() |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, chiều 28/4. Ảnh: Hoàng Phong |
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, thành phố tính toán tỉ mỉ, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học nhiều yếu tố theo định hướng của Trung ương và đặc thù của Thủ đô để đơn vị hành chính xã phường sau khi được thành lập sẽ đạt được mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, đồng thời cũng phải mở ra không gian phát triển mới, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý, quản trị của chính quyền các cấp.
"Nhân dân rất phấn khởi, trực tiếp tham gia xây dựng đề án. Những tên gọi mới xã phường thật hay, thật đẹp, rất ý nghĩa được nhân dân tán thành", bà Hoài nói.
Bí thư Hà Nội yêu cầu ngay sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, thành phố cần bắt tay ngay vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình, kế hoạch đề ra, theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố. Thành ủy giao Ban Thường vụ, người đứng đầu cấp ủy các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm đánh giá cán bộ, dự kiến sắp xếp cán bộ, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, thẩm định và quyết định chỉ định Ban chấp hành, Ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên Ủy ban kiểm tra các xã, phường.
"Đề nghị các đồng chí lưu ý khi bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan, lựa chọn người có phẩm chất đạo đức tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn, thách thức vì yêu cầu, công việc chung, tránh tình trạng chạy chọt, tiêu cực. Những lúc này rất cần tập thể Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ phải đoàn kết, bản lĩnh để chúng ta khách quan, dân chủ tìm được cán bộ xứng đáng", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Võ Hải