Dù tham gia cự ly 5 km hay full marathon, người chạy bộ vẫn cần chuẩn bị kỹ về thể chất và tinh thần. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Lộc, Phòng khám Đa khoa Victoria Healthcare, việc tự đánh giá sức khỏe trước race là thói quen cần thiết, không chỉ với người mới mà cả runner có kinh nghiệm. Dưới đây là 5 bước kiểm tra cơ bản mà người chạy có thể thực hiện tại nhà.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Đức Lộc trên đường chạy tại giải VnExpress Marathon Ho Chi Minh City Midnight 2025. Ảnh: VM |
Bước 1: Quan sát tình trạng tổng quát
Người chạy nên chú ý đến các biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, đau nhức không rõ nguyên nhân, khó thở hoặc cảm giác bất thường về sức khỏe. Bên cạnh thể trạng, yếu tố tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng. Lo âu, mất ngủ hay căng thẳng quá mức đều có thể ảnh hưởng đến hiệu suất chạy và khả năng duy trì nhịp thở ổn định.
Bước 2: Đánh giá thể lực cơ bản
Người chạy bộ có thể đánh giá thể lực cơ bản thông qua hai bài kiểm tra đơn giản tại nhà: đi bộ nhanh trong 6 phút và leo cầu thang trong vài phút. Nếu sau khi thực hiện không thấy mệt, đau ngực hay chóng mặt, cơ thể đang ở trạng thái ổn định. Đây là những chỉ dấu đơn giản giúp đánh giá khả năng gắng sức và phục hồi – hai yếu tố quan trọng khi thi đấu.
Bước 3: Kiểm tra hô hấp
Runner nên quan sát nhịp thở khi vận động nhẹ. Nếu thấy thở dốc bất thường, tức ngực hay khó thở, cần lưu ý. Với những ai có thiết bị đo SpO₂ (nồng độ oxy trong máu), chỉ số từ 95% trở lên được coi là an toàn. Trường hợp thấp hơn, nên giảm cường độ tập hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn từ bác sĩ.
Bước 4: Theo dõi hệ tim mạch
Nên theo dõi nhịp tim khi nghỉ ngơi và trong lúc tập luyện bằng đồng hồ thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, nhịp tim khi nghỉ thường dao động từ 60 đến 100 lần mỗi phút. Nhịp tim tăng nhanh bất thường có thể là dấu hiệu cần theo dõi thêm. Với runner có máy đo huyết áp tại nhà, nên đo định kỳ, đặc biệt trong tuần trước race. Những người có tiền sử bệnh lý tim mạch càng cần chú ý theo dõi sát.
Lưu ý, các thiết bị chỉ có giá trị hỗ trợ và không thay thế được đánh giá y khoa. Việc sử dụng công nghệ cần đi kèm với sự hiểu biết đúng mức.
Bước 5: Khám sức khỏe chuyên sâu nếu cần
Nếu có dấu hiệu như đau ngực, chóng mặt, khó thở, mất ngủ kéo dài, người chạy nên tạm ngưng tập luyện và đến cơ sở y tế kiểm tra. Theo khuyến cáo, người tập luyện thể thao sức bền nên khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần, đặc biệt khi có tiền sử bệnh lý hoặc tập luyện ở cường độ cao.
"Việc lắng nghe cơ thể là yếu tố tiên quyết giúp runner thi đấu an toàn, duy trì hiệu suất lâu dài và nuôi dưỡng đam mê một cách bền vững", bác sĩ Lộc nói. Ông cũng khuyến nghị không nên cố gắng thi đấu nếu cảm thấy sức khỏe không đảm bảo. "Không có một công thức chung nào cho việc chuẩn bị race, nhưng hiểu rõ giới hạn của bản thân là bước đầu tiên để tận hưởng trọn vẹn đường chạy".
Minh Ngọc
![]() |