Hai tuần sau khi nhậm chức, Giáo hoàng Leo XIV, lãnh đạo Giáo hội Công giáo đầu tiên đến từ Mỹ, đang được đề cử cho một vai trò quan trọng khác: Nhà trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb ngày 21/5 xác nhận cuộc đàm phán cấp chuyên viên nhiều khả năng sẽ diễn ra trong tuần sau tại Vatican, với sự tham gia của phái đoàn Ukraine, Nga, Mỹ và một số nước châu Âu.
Sáng kiến để Vatican làm trung gian đàm phán giữa Moskva và Kiev có thể là phép thử đầu tiên với Giáo hoàng Leo XIV, người có lập trường ủng hộ Ukraine công khai hơn so với cố Giáo hoàng Francis. Nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho tân Giáo hoàng, bởi việc đóng vai trò trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II sẽ giúp nâng cao đáng kể uy tín của ông khi vừa mới bắt đầu nhiệm kỳ.
![]() |
Giáo hoàng Leo XIV trong lễ nhậm chức tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican hôm 18/5. Ảnh: Reuters |
"Tòa Thánh luôn sẵn sàng để giúp các đối thủ có thể gặp gỡ và nhìn thẳng vào mắt nhau", Giáo hoàng Leo XIV phát biểu trong một cuộc họp tuần trước.
Các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ quan tâm đến việc Vatican tham gia vào tiến trình với tư cách một bên trung lập không có lợi ích liên quan đến cuộc xung đột. Tổng thống Donald Trump, sau cuộc điện đàm hồi đầu tuần với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho biết Giáo hoàng Leo XIV đã đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán. Sau đó, ông nói thêm: "Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu tổ chức tại Vatican. Có lẽ điều đó sẽ giúp xoa dịu phần nào những cơn giận dữ".
Cuối ngày 20/5, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đăng trên Facebook rằng theo yêu cầu từ Tổng thống Trump, bà đã liên lạc với Giáo hoàng Leo và xác nhận ông sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán.
"Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với thái độ cởi mở và cam kết vững vàng của Giáo hoàng đối với hòa bình", bà Meloni viết.
Tuy nhiên, theo Simon Hutagalung, cựu điều phối viên tại Trung tâm Á, Phi và Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, nỗ lực làm trung gian đàm phán Nga - Ukraine của Giáo hoàng sẽ đối diện nhiều khó khăn cả về chính trị lẫn hậu cần.
Trong vài tháng qua, Tổng thống Trump đã nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng triển vọng vẫn rất mơ hồ khi hai bên có lập trường, mục tiêu rất khác nhau. Kiev muốn ngừng bắn trước khi đàm phán hòa bình, trong khi Nga bác bỏ phương án "ngừng bắn rồi tính", khẳng định nước này sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi đạt được các mục đích trong chiến dịch ở Ukraine.
Châu Âu cũng muốn thúc đẩy hai bên ngừng bắn trước các cuộc đàm phán, giống như Mỹ đã từng làm. Nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 21/5 tuyên bố rằng châu Âu chỉ muốn ngừng giao tranh để "có thêm thời gian trang bị vũ khí cho Ukraine" và giúp Kiev tăng cường khả năng phòng thủ.
Việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tại Vatican cũng vẫn phải đối mặt những thách thức rất thực tế. Loạt lệnh trừng phạt và lệnh cấm đi lại của châu Âu khiến các quan chức Nga lo lắng về việc đưa các quan chức cấp cao của họ tới Vatican, vốn nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Italy, quốc gia thành viên của NATO và EU.
Giới chức Italy đã thông báo với Nga rằng theo Hiệp ước Lateran năm 1929 thành lập Nhà nước Vatican, chính phủ của họ phải cấp quyền đi lại an toàn cho các phái đoàn ngoại giao đến Tòa Thánh, theo một nguồn thạo tin.
Việc tổ chức các cuộc đàm phán tại Vatican cũng có thể đòi hỏi các quốc gia châu Âu khác đưa ra những nhượng bộ nhất định liên quan đến vấn đề hậu cần, trong đó có việc cho phép máy bay chở các quan chức Nga bay qua không phận của họ.
Máy bay chở Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova tới dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng Leo XIV gần đây đã phải bay vòng qua Bắc Phi để tới Italy, lộ trình dài gấp đôi so với thông thường, do phi cơ Nga bị cấm vào không phận của nhiều nước châu Âu. Máy bay sau đó đã phải quay đầu giữa chừng vì các vấn đề kỹ thuật.
Các chuyên gia pháp lý cho biết vẫn chưa rõ liệu những quan chức cấp cao hơn, đặc biệt là Tổng thống Putin, có được bảo vệ bởi Hiệp ước Lateran hay không.
"Câu hỏi đối với Nga là liệu lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không", nguồn tin nói.
Trong thập kỷ qua, Vatican đã tham gia vào việc hòa giải xung đột với nhiều mức độ thành công khác nhau, chủ yếu bằng cách cử các hồng y cấp cao tới những điểm nóng cần giải quyết.
Nỗ lực hòa giải từ phía Vatican đã mở đường cho chuyến thăm Cuba của tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2016. Tòa thánh cũng từng tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận giữa chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và phe đối lập, song không thành công.
Nỗ lực làm trung gian đàm phán hòa bình cho Nga - Ukraine sẽ tái hiện vai trò của Vatican vào đầu những năm 1980, khi họ giúp tổ chức các cuộc đàm phán ngăn chiến tranh nổ ra giữa Chile và Argentina. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay không giống như khi Vatican can dự trong cuộc xung đột này và một số cuộc đối đầu khác, bởi cả Ukraine và Nga đều không phải quốc gia có đa số dân theo Công giáo.
Các quan chức cho biết Ukraine từng tìm kiếm hỗ trợ từ Vatican từ khi Giáo hoàng Francis còn tại vị, vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine mới bùng phát hồi năm 2022.
![]() |
Phái đoàn Nga, Ukraine gặp trực tiếp tại cung điện Dolmabache, thành phố Istanbul, với các đại diện từ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia, ngày 16/5. Ảnh: AP |
Tòa thánh, thông qua các phái bộ ngoại giao tại Kiev và Moskva cùng một sứ giả cấp cao được phân công đến khu vực, Hồng y Matteo Zuppi, đã tạo điều kiện cho các cuộc trao đổi tù nhân và âm thầm hỗ trợ hồi hương hàng trăm trẻ em Ukraine bị đưa đến Nga. Tuy nhiên, nỗ lực của Vatican sau đó không thể giúp hai bên tìm được tiếng nói chung để chấm dứt xung đột.
Trong một cuộc phỏng vấn với Washington Post, Đại sứ Ukraine tại Vatican Andrii Yurash, người đã tham dự cuộc gặp giữa Giáo hoàng Leo XIV và Tổng thống Zelensky hôm 18/5, cho biết Giáo hoàng đã ngỏ ý sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp chấm dứt xung đột, thay vì đưa ra đề xuất cụ thể về việc tổ chức các cuộc đàm phán.
Ông Yurash cho biết giả định là "nếu có yêu cầu từ cả hai bên, Vatican sẽ được sử dụng làm địa điểm tổ chức các cuộc họp". Hôm 19/5, Tổng thống Zelensky đã công khai nêu tên Vatican, cùng với Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia dẫn đầu nỗ lực làm trung gian hòa giải, là những địa điểm có thể tổ chức các cuộc đàm phán trong tương lai.
"Vatican là biểu tượng cho đạo đức cao nhất của nền văn minh dân chủ tự do phương Tây. Không còn nghi ngờ gì nữa, nếu nơi đây tổ chức các cuộc đàm phán, nó sẽ mang lại giá trị đạo đức to lớn", Đại sứ Yurash nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)