Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kristi Noem trong thư gửi Đại học Harvard ngày 22/5 thông báo "lập tức" thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVP). SEVP là cơ chế cho phép các đại học Mỹ tuyển du học sinh và đào tạo sinh viên nước ngoài có visa du học.
Thông báo của Bộ An ninh Nội địa là động thái mới nhất trong "cuộc chiến" giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và Đại học Harvard. Căng thẳng leo thang từ cuối tháng 3, khi Bộ Giáo dục Mỹ yêu cầu Harvard tiến hành loạt cải tổ nhằm xử lý tình trạng "bài xích Do Thái". Harvard từ chối với lý do những yêu cầu này xâm phạm quyền tự do học thuật và một số chính sách của trường.
Bộ trưởng Noem giải thích quyết định thu hồi giấy phép SEVP là hệ quả của việc Harvard "nhiều lần từ chối cung cấp thông tin cần thiết cho Bộ An ninh Nội địa Mỹ, duy trì môi trường trường học không an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái, khuyến khích ủng hộ Hamas và áp dụng các chính sách DEI (đa dạng, công bằng, hòa nhập) mang tính phân biệt chủng tộc".
Việc bị thu hồi giấy phép SEVP đồng nghĩa Harvard không thể tiếp nhận sinh viên quốc tế, còn các du học sinh hiện tại ở trường phải chuyển sang học ở các trường khác, hoặc phải rời khỏi nước Mỹ, nếu không sẽ rơi vào tình trạng cư trú bất hợp pháp.
"Việc các đại học được tuyển sinh viên nước ngoài và hưởng lợi từ các khoản thanh toán học phí cao, giúp bù đắp các khoản viện trợ hàng tỷ USD của họ, là đặc ân chứ không phải đặc quyền", bà nói, nhấn mạnh "Harvard có rất nhiều cơ hội để làm điều đúng đắn, nhưng đã từ chối".
![]() |
Biểu tượng Đại học Harvard tại trường ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: AP |
Giới quan sát cho rằng quyết định thu hồi giấy phép SEVP mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra sẽ mang tới những hệ quả nghiêm trọng với Harvard, đại học danh tiếng với bề dày lịch sử 388 năm, cũng như với chính hình ảnh và vị thế của nước Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ không nêu rõ thời hạn thực thi lệnh cấm cũng như tình trạng pháp lý của các du học sinh ở Harvard sau khi bà Noem công bố quyết định, trong khi ban lãnh đạo Harvard cho hay đây là "động thái trái pháp luật" và nhà trường sẽ sớm ban hành hướng dẫn tới sinh viên.
Tuy nhiên, nếu chính quyền Trump thực thi lệnh cấm, hệ quả đầu tiên mà Harvard đối mặt là đánh mất nguồn thu lớn từ học phí của du học sinh. Trong năm học 2024-2025, Đại học Harvard có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm hơn 27% tổng sinh viên của trường. Con số này tăng từ 19,7% trong năm học 2010-2011.
Học phí tại Harvard cho năm học 2025-2026 là hơn 59.000 USD và có thể tăng lên gần 87.000 USD nếu cộng thêm phí ăn ở. Sinh viên quốc tế ở Harvard thường trả chi phí học tập lớn hơn sinh viên trong nước.
Thông báo ngày 22/5 đưa ra khi Harvard và các đại học lớn của Mỹ đang chạy đua tìm nguồn tài chính bù đắp cho những quyết định cắt giảm tài trợ lớn từ ngân sách liên bang. Harvard đã bị chính phủ Mỹ đóng băng hoặc cắt gần 3 tỷ USD theo các hợp đồng liên bang hay các khoản tài trợ nghiên cứu.
"Đây là một cú đánh nữa về tài chính sau những đòn giáng mà các đại học lớn đã hứng chịu", Robert Kelchen, giáo sư nghiên cứu về tài chính đại học tại Đại học Tennessee, nhận xét.
Ngoài Đại học Harvard, lệnh cấm tuyển sinh quốc tế cũng đe dọa nền kinh tế bang Massachusetts cùng hệ sinh thái khu vực vốn phát triển nhờ vào các trường đại học tại địa phương. Sinh viên quốc tế không chỉ trả học phí cho trường, họ cũng chi tiền cho các nhà hàng và các hoạt động giải trí khác. Nhiều người trong số họ đã quyết định ở lại Massachusetts để làm việc cho các bệnh viện, tổ chức nghiên cứu và công ty công nghệ sinh học danh tiếng của bang.
"Chúng tôi cam kết duy trì khả năng của Harvard trong tiếp nhận sinh viên và học giả quốc tế, những người đến từ hơn 140 quốc gia và làm giàu cho đại học này và cả nước Mỹ", Jason Newton, giám đốc truyền thông của Harvard, cho biết.
Trong năm học vừa qua, Harvard đã nhận được khoảng 700 triệu USD tài trợ nghiên cứu từ nhiều cơ quan liên bang, gồm Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Bộ Quốc phòng và Năng lượng.
Khi tìm cách bù đắp khoản cắt giảm tài trợ liên bang, Harvard cho biết sẽ giải ngân thêm 250 triệu USD ngân sách của trường để trang trải cho các nghiên cứu vào năm học tới, bên ngoài 500 triệu USD mà họ đã chi cho nghiên cứu hàng năm.
Các chuyên gia cho hay quyết định của chính quyền Trump cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cộng đồng Harvard, làm mất đi nhân tài và suy yếu sứ mệnh học thuật, nghiên cứu của trường.
Trong thư gửi cộng đồng Harvard hồi tháng 4, Chủ tịch Alan Garber nói rằng "hậu quả từ việc can thiệp quá mức của chính phủ sẽ rất nghiêm trọng và lâu dài", cảnh báo các nghiên cứu quan trọng về các bệnh ung thư ở trẻ em, bệnh đa xơ cứng, Parkinson hay Alzheimer đều bị đe dọa.
Nhiều sinh viên quốc tế đang theo học các chương trình sau đại học tại Harvard và việc họ phải chuyển sang trường khác hoặc rời Mỹ có thể ảnh hưởng tới các chương trình nghiên cứu của Harvard, theo Alex Usher, chủ tịch Hiệp hội Chiến lược Giáo dục Cao học.
"Họ sẽ mất một phần lớn sinh viên sau đại học thuộc các chương trình đào tạo về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học", Usher nói.
"Nếu không có sinh viên quốc tế và khả năng thu hút những người giỏi nhất từ khắp nơi trên thế giới, Harvard sẽ không còn là Harvard nữa", Leo Gerden, du học sinh từ Thụy Điển đang học năm cuối tại Harvard, nói.
Nếu không bị đảo ngược, quyết định của chính quyền sẽ gây hậu quả lớn cho không chỉ bản thân Harvard mà với hàng nghìn sinh viên nước ngoài đang theo học ở đó hoặc những người đang có kế hoạch ghi danh vào trường mùa thu tới. Chuyển sang trường khác vào thời điểm này không phải điều dễ dàng.
Alex Usher cũng cảnh báo quyết định của chính quyền ông Trump có thể làm suy giảm vị thế của Mỹ với tư cách là "ngọn hải đăng của thế giới" về học tập và nghiên cứu.
"Hãy tưởng tượng bản thân là một sinh viên năm nhất mới được nhận vào Harvard. Với thông báo mới, mọi người chắc chắn sẽ cân nhắc lại việc tới Mỹ học, bởi bạn không biết liệu có thể hoàn thành chương trình học của mình hay không", Usher nói.
Harvard từ lâu được coi là biểu tượng của nền giáo dục Mỹ trên toàn cầu, giúp nước Mỹ thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy, nếu năng lực nghiên cứu, học thuật của Harvard bị hạn chế, "ngọn hải đăng" đó sẽ giảm bớt sức hấp dẫn với những người giỏi từ nhiều quốc gia.
Điều này có thể làm dấy lên hoài nghi với nền giáo dục Mỹ, ảnh hưởng đến khả năng thu hút giảng viên và nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong bối cảnh nhiều quốc gia cũng đang nỗ lực lôi kéo nhân tài trong các lĩnh vực quan trọng, mới nổi, theo Usher.
![]() |
Một góc khuôn viên Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 17/5. Ảnh: AP |
Harvard đã được ca ngợi vì dám đứng lên chống lại Tổng thống và chính quyền của ông. Các chuyên gia pháp lý cho biết trường có thể có cơ hội lấy lại các khoản tài trợ mà chính quyền đã đóng băng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái mới nhất của chính quyền là lời cảnh báo rằng Harvard đang ở giữa một cuộc khủng hoảng mà họ khó có thể chống đỡ khi chính quyền tiếp tục nhắm mục tiêu vào trường bằng các cuộc điều tra và nỗ lực cắt giảm ngân sách.
Ngay cả khi chính quyền Trump buộc phải trả lại tài trợ nghiên cứu cho Harvard, trường vẫn phải đối mặt gánh nặng từ chính phủ như cuộc điều tra gần đây của Bộ Tư pháp về các chính sách tuyển sinh của trường.
Quyết định của bà Noem cũng bắt nguồn từ cuộc điều tra riêng biệt mà cơ quan này đã bắt đầu ngày 16/4. Trong thư gửi cho trường, bà yêu cầu cung cấp thông tin về những người có thị thực sinh viên, nói rằng trường đã "tạo ra môi trường học tập thù địch với sinh viên Do Thái".
Charles Kuck, luật sư về di trú và giáo sư luật tại Đại học Emory, dự đoán Harvard sẽ có hành động pháp lý để ngăn chặn việc thu hồi giấy phép SEVP của chính quyền.
Tuy nhiên, một cuộc chiến pháp lý kéo dài với chính phủ không phải là điều mà nhiều người mong muốn. Một số lãnh đạo cấp cao tại Harvard và những người trong ban quản trị trường từng cho rằng họ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tốn kém và mệt mỏi, có nguy cơ kéo dài đến tận khi Tổng thống Trump mãn nhiệm.
Ngay cả khi vụ kiện thành công, Harvard vẫn có thể phải đối mặt với những rắc rối lớn có thể buộc đại học lâu đời và giàu có nhất nước Mỹ phải suy nghĩ lại về bản sắc và quy mô của mình.
Động thái mới của chính quyền với Harvard không chỉ là đòn giáng vào đại học nổi tiếng này mà còn gửi thông điệp đến các đại học khác rằng "các vị có thể là người tiếp theo", theo Robert Kelchen, giáo sư tại Đại học Tennessee.
Thùy Lâm (Theo CNA, Reuters, Washington Post, Mint)