Không quân Mỹ (USAF) ngày 13/5 tiết lộ kế hoạch đưa vào sử dụng ít nhất 185 F-47, tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ 6 nhằm thay thế dòng Lockheed Martin F-22 đã cũ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa đội bay của mình.
F-47 là tâm điểm trong chương trình Máy bay Chiến đấu Thống trị Trên không Thế hệ Tiếp theo (NGAD) mà USAF thực hiện. Được Tổng thống Donald Trump công bố ngày 21/3, tiêm kích F-47 được coi là một bước nhảy vọt về công nghệ, biểu tượng cho tham vọng duy trì ưu thế trên không của Mỹ trong những thập kỷ tới.
![]() |
Hình ảnh mô phỏng của tiêm kích Boeing F-47. Đồ họa: USAF |
Với chi phí phát triển ban đầu ước tính 20 tỷ USD và có thể tăng lên hàng trăm tỷ USD, F-47 hứa hẹn mang lại những năng lực vượt trội, từ tính năng tàng hình tiên tiến, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), đến khả năng phối hợp với các hệ thống không người lái (UAV). Tuy nhiên, chương trình này cũng đối mặt với nhiều thách thức về chi phí, thời gian và tính khả thi trong môi trường tác chiến hiện đại.
Bối cảnh ra đời
Các đối thủ chiến lược của Mỹ như Trung Quốc và Nga gần đây đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực hàng không quân sự. Trung Quốc đã đưa vào sử dụng tiêm kích tàng hình J-20 và đang phát triển các mẫu máy bay thế hệ 6 như J-36 hay J-50, trong khi Nga đã công bố dự án MiG-41 với những tính năng tương lai đầy tham vọng.
Điều này đặt ra áp lực lớn cho USAF, vốn đang vận hành các tiêm kích thế hệ 5 như F-22 và F-35, nhưng nhận thấy những nền tảng này có thể không đủ sức đối phó với các mối đe dọa trong tương lai, đặc biệt trong môi trường chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) ngày càng phức tạp.
Chương trình NGAD được Mỹ khởi động vào đầu thập niên 2010, với mục tiêu phát triển "gia đình vũ khí" tập trung vào một tiêm kích có người lái, được hỗ trợ bởi các UAV gọi là Máy bay Tác chiến Hiệp đồng (CCA).
F-47, được đặt tên một phần để vinh danh chiếc P-47 Thunderbolt huyền thoại từ Thế chiến II, năm thành lập Không quân Mỹ (1947) và Tổng thống thứ 47 Donald Trump, là sản phẩm trung tâm của chương trình này.
Theo tướng David Allvin, tư lệnh Không quân Mỹ, các nguyên mẫu X-plane của F-47 đã được thử nghiệm từ năm 2019, với hàng trăm giờ bay được ghi nhận. Những chuyến bay thử nghiệm này, được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA), đã giúp giảm thiểu rủi ro công nghệ và xác nhận các khái niệm thiết kế tiên tiến.
Khi USAF năm 2020 tuyên bố một nguyên mẫu NGAD đã thực hiện chuyến bay thử đầu tiên, ngành công nghiệp quốc phòng thế giới đã rất sửng sốt, cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của chương trình.
Tổng thống Trump đã tuyên bố Boeing là nhà thầu chiến thắng trong hợp đồng trị giá hơn 20 tỷ USD phát triển và sản xuất F-47. Quyết định này đánh dấu một dấu mốc lớn với tập đoàn Boeing, cho thấy họ đã vượt qua đối thủ nặng ký Lockheed Martin và là "cú hích" cho bộ phận hàng không quân sự của công ty tại St. Louis, Missouri.
Tính năng kỹ chiến thuật
Tướng Allvin cho hay F-47 sẽ là tiêm kích có hiệu suất vượt trội, được thiết kế để vượt qua các giới hạn của chiến đấu cơ thế hệ 5, với các tính năng kỹ chiến thuật ấn tượng.
Nó sẽ có bán kính chiến đấu hơn 1.000 hải lý (1.850 km), gấp đôi so với F-22. Điều này giúp máy bay phù hợp để tiến hành các nhiệm vụ kéo dài ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn, nơi khoảng cách địa lý và các căn cứ thưa thớt là thách thức không nhỏ.
F-47 đạt tốc độ tối đa trên Mach 2, tương đương với F-22, nhưng được tối ưu hóa để duy trì hiệu suất trong các kịch bản chiến đấu phức tạp.
![]() |
Hình ảnh đồ họa tiêm kích F-47. Ảnh: Hereknoxville |
F-47 sở hữu công nghệ tàng hình tiên tiến hơn F-22 và F-35, với các lớp phủ bề mặt ít cần bảo trì hơn, giúp tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu và giảm thời gian bảo dưỡng. Được thiết kế với kiến trúc hệ thống mở và phương pháp thiết kế số, F-47 dễ dàng nâng cấp phần mềm, cảm biến và vũ khí để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai.
Một trong những đặc điểm nổi bật của F-47 là khả năng hoạt động cùng các máy bay không người lái CCA như YFQ-42A của General Atomics và YFQ-44A của Anduril.
Những UAV này có bán kính chiến đấu gần 1.300 km, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, gây nhiễu điện tử hoặc thậm chí tấn công, từ đó gia tăng sức mạnh và tính linh hoạt cho F-47.
USAF dự kiến triển khai hơn 1.000 chiếc CCA phối hợp với F-47, tạo nên lực lượng kết hợp giữa con người và máy móc, giúp giảm tải cho phi công và tăng khả năng sống sót trong môi trường tác chiến có tính đối kháng cao.
F-47 còn được tích hợp AI để hỗ trợ phi công ra quyết định, tương tự công nghệ tích hợp cảm biến trên F-35. Ngoài ra, máy bay sử dụng các hệ thống định vị không dựa vào GPS và khả năng truyền dữ liệu lớn giữa các nền tảng, đảm bảo hoạt động hiệu quả trong môi trường bị gây nhiễu cao. Những công nghệ này giúp F-47 duy trì ưu thế trong các kịch bản chiến đấu ngoài tầm nhìn (BVR), nơi tên lửa không đối không tầm xa đóng vai trò quan trọng.
Thách thức và tranh cãi
Một trong những thách thức lớn nhất của chương trình F-47 là chi phí. Theo cựu bộ trưởng không quân Mỹ Frank Kendall, giá mỗi chiếc F-47 khoảng 160-300 triệu USD, cao gấp 2-3 lần so với F-35 và gần bằng giá của máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider.
Tổng chi phí phát triển của dự án NGAD dự kiến vượt 20 tỷ USD từ năm 2025 đến 2029, với tổng giá trị chương trình có thể lên tới hàng trăm tỷ USD trong vòng đời của nó.
Năm 2024, Kendall đã tạm dừng chương trình NGAD do chi phí tăng vọt, buộc Không quân Mỹ phải xem xét lại thiết kế và tìm cách giảm chi phí. Một đánh giá nội bộ vào tháng 12/2024 đã xác nhận sự cần thiết của NGAD, nhưng vấn đề tài chính vẫn là rào cản lớn. Với áp lực ngân sách quốc phòng ngày càng tăng, khả năng duy trì số lượng tối thiểu 185 chiếc F-47 như kế hoạch vẫn là một câu hỏi lớn.
Về thời gian triển khai, USAF đặt mục tiêu đưa F-47 vào trạng thái sẵn sàng hoạt động sơ bộ từ năm 2025 đến 2029, mốc thời gian đầy tham vọng. Tuy nhiên, lịch sử phát triển các tiêm kích thế hệ trước cho thấy các thách thức về kỹ thuật và hậu cần có thể làm chậm tiến độ dự kiến. Việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI, tính năng tàng hình và CCA đòi hỏi những bước "đột phá kỹ thuật", có thể dẫn đến trì hoãn hoặc tăng chi phí.
Ông Trump coi F-47 như một công cụ răn đe, nhưng các nhà phân tích cảnh báo chương trình này có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi các quốc gia như Nga, Trung Quốc đẩy nhanh phát triển các nền tảng tương tự.
Dù vậy, với các tính năng chưa từng có, F-47 hứa hẹn sẽ mang lại cho Washington lợi thế chiến lược trước các đối thủ ngang hàng, giúp USAF không chỉ sở hữu một mẫu máy bay mới, mà còn có khả năng định hình tương lai của sức mạnh không quân toàn cầu, theo bình luận viên Stephen Losey của Defense News.
Phong Lâm (Theo Defense News, Flight Global)