Ảnh vệ tinh thương mại của Airbus chụp nhà máy đóng tàu Chongjin của Triều Tiên được công bố hôm 22/5 cho thấy chiến hạm Triều Tiên nằm chéo so với cầu cảng, phần đuôi nằm dưới nước còn mũi kẹt trên bờ. Chiến hạm được phủ những tấm bạt xanh cỡ lớn, dường như nhằm ngăn vệ tinh chụp ảnh chi tiết.
Joseph Bermudez và Victor Cha, chuyên gia của nhóm nghiên cứu Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, chỉ ra rằng nhà máy đóng tàu ở thành phố Chongjin chủ yếu chế tạo tàu hàng, tàu đánh cá và tàu nạo vét, thỉnh thoảng mới đóng tàu ngầm cỡ nhỏ và tàu tuần tra.
"Nhà máy này chắc chắn thiếu chuyên môn cần thiết để chế tạo và hạ thủy chiến hạm cỡ lớn như khu trục hạm thế hệ mới của Triều Tiên", hai chuyên gia nhận định, đồng thời cho rằng còn quá sớm để đánh giá chiến hạm có hư hỏng hoàn toàn hay không và liệu Triều Tiên sẽ mất bao lâu để sửa chữa.
![]() |
Tàu chiến Triều Tiên sau sự cố hạ thủy tại nhà máy đóng tàu ở Chongjin ngày 21/5. Ảnh: Airbus Defense and Space |
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA trước đó đưa tin khu trục hạm với lượng giãn nước 5.000 tấn bị hư hại do sự cố nghiêm trọng trong lễ hạ thủy tại xưởng đóng tàu tại thành phố cảng Chongjin hôm 21/5. Con lăn ở đuôi tàu di chuyển sớm hơn dự kiến rồi mắc kẹt, làm chiến hạm "mất cân bằng và một số phần đáy bị nát", còn mũi tàu không thể rời khỏi triền nghiêng.
KCNA ngày 23/5 thông báo cuộc kiểm tra chi tiết phần dưới nước và bên trong chiến hạm cho thấy không có lỗ thủng nào xuất hiện dưới đáy tàu như thông báo ban đầu. "Mạn phải của tàu bị trầy xước và một lượng nước biển đã tràn vào phần đuôi tàu thông qua kênh thoát", cơ quan này cho hay.
Nhóm điều tra sự việc đã báo cáo với Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên rằng sẽ mất 2-3 ngày để bơm nước biển khỏi khoang bị ngập và giúp chiến hạm lấy lại cân bằng. Họ nhận định có thể cần khoảng 10 ngày để khôi phục phần mạn tàu.
Chiến hạm liên quan tới sự cố hạ thủy ngày 21/5 là chiếc thứ hai trong lớp khu trục hạm Choe Hyon, mẫu chiến hạm lớn và hiện đại nhất trong lịch sử nước này. Một trong những điểm ấn tượng của lớp Choe Hyon là 74 ống phóng thẳng đứng, có thể gồm 4-5 loại khác nhau, trong đó có ống phóng tương thích với tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia Hàn Quốc nhận định sự cố xảy ra do Triều Tiên thiếu kinh nghiệm trong hạ thủy tàu chiến cỡ lớn và theo phương ngang. Phương pháp này phù hợp với những cơ sở nội thủy hoặc khu vực chật hẹp, nước nông như nhà máy tại Chongjin.
Bù lại, độ an toàn của phương pháp này không bằng hạ thủy dọc. Nó đòi hỏi sử dụng nhiều đà trượt và đường triền, dẫn tới tỷ lệ gặp trục trặc cao hơn. Nhà máy đóng tàu cũng phải thực hiện nhiều phép tính phức tạp, xem xét hàng loạt yếu tố chủ quan và khách quan để bảo đảm hạ thủy an toàn.
Chiếc đầu tiên thuộc lớp Choe Hyon được hạ thủy thành công hôm 25/4 tại cảng Nampo bằng cách dùng ụ nổi.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, War Zone)