Kết quả xét nghiệm, siêu âm và chụp CT cho thấy bà Hương có sỏi ở thận phải dài 7,6 cm và ở thận trái 7,2 cm, phân nhánh dày. ThS.BS CKII Phạm Thanh Trúc, Đơn vị Tiết Niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nếu không xử lý sỏi sẽ lớn thêm gây ứ nước nặng dẫn đến mất chức năng thận, suy thận hoặc nhiễm khuẩn huyết.
Trường hợp mổ nội soi, bác sĩ phải mổ mỗi bên thận 2-3 lần mới lấy hết sỏi ra ngoài, còn mổ mở một lần lấy được hết sỏi. Bà Hương được mổ mở. "Đây là ca mổ phức tạp do khó tiếp cận vị trí sỏi ở đường bể thận như thông thường", bác sĩ Trúc nói, thêm rằng êkíp phải xẻ nhu mô thận cẩn thận để không làm rách cổ đài gây xuất huyết.
Bệnh nhân được mổ gắp sỏi san hô ở thận phải trước. Êkíp mở vào vùng lưng theo đường sườn thắt lưng, xẻ bể thận để tiếp cận vị trí sỏi. Do kích thước sỏi san hô lớn, sần sùi, phân nhánh phức tạp, không thể đưa nguyên khối ra ngoài nên bác sĩ đã cắt nhỏ sỏi, sau đó bơm hút ra ngoài. Bác sĩ cũng rửa bể thận để loại bỏ những mảnh sỏi khác.
![]() |
Bác sĩ Trúc (thứ hai từ trái qua) cùng êkíp mổ lấy sỏi san hô cho bà Hương. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Sau 150 phút, toàn bộ sỏi san hô ở thận phải của người bệnh được lấy hết gồm một viên sỏi như quả trứng gà so, các nhánh sỏi sần sùi, một viên sỏi lớn và nhiều mảnh sỏi nhỏ khác.
Hậu phẫu, bà Hương hồi phục nhanh chóng, ăn uống ngon miệng, đi lại nhẹ nhàng. Sau 5 ngày, bà xuất viện trước thời gian dự kiến. Một tháng sau, khi hồi phục hẳn, dự kiến bác sĩ mổ lấy sỏi ở thận trái cho bà.
Bác sĩ lưu ý người bệnh sau mổ cần theo dõi sức khỏe, kiểm tra chức năng thận định kỳ ba tháng một lần. Uống đủ nước để tăng bài tiết nước tiểu, đào thải cặn sỏi, hạn chế lắng đọng nước tiểu. Bà nên bổ sung trái cây chứa nhiều vitamin C và khoáng chất như cam, quýt, chanh, ổi, đu đủ, kiwi. Chế độ ăn nên có thực phẩm giàu vitamin A, D, B6 như sữa, lòng đỏ trứng gà, hải sản và các loại rau củ quả như diếp cá, cà rốt, cần tây, ớt chuông, rau xanh. Người bệnh nên hạn chế muối, đường và đạm động vật.
Sỏi san hô là loại sỏi tiết niệu phức tạp, có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần ở thận. Bác sĩ Trúc cho biết bể thận bị tắc nghẽn có thể bị suy thận nếu không điều trị kịp thời hoặc gây nhiễm khuẩn huyết.
Sỏi san hô phát triển âm thầm, ít triệu chứng rõ rệt nên khó nhận biết. Khi xuất hiện các triệu chứng đau hông lưng, đau âm ỉ, tiểu máu, khối sỏi san hô phát triển lớn. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ sỏi, người bệnh cần đến chuyên khoa Tiết niệu để được bác sĩ xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng.
Hà Thanh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |