Cả hai xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa như đau bụng, đi tiêu lỏng và nôn nhiều, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Chồng được chẩn đoán ngộ độc nấm, suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, còn vợ tổn thương gan, thận cấp, rối loạn đông máu, toan chuyển hóa. Cả hai được điều trị theo hướng truyền dịch, truyền chế phẩm máu song không bớt, diễn biến kích thích vật vã, được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Ngày 18/4, bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc, cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân đều hôn mê sâu. Các xét nghiệm cho thấy tổn thương và suy đa cơ quan, kích ứng tổn thương đường tiêu hóa, viêm gan, suy gan tối cấp, hôn mê gan, suy thận cấp, tổn thương cơ tim, rối loạn đông máu nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Hai người được thay huyết tương, lọc máu liên tục, dùng các thuốc giải độc, hồi sức. Hiện, họ vẫn hôn mê sâu, chức năng gan tổn thương nặng, tiếp tục được hồi sức, tiên lượng khó hồi phục.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho hay ở Việt Nam có nhiều loại nấm độc, chia thành hai nhóm là nhóm gây ngộ độc chậm và nhóm gây ngộ độc nhanh.
Nhóm gây ngộ độc chậm, là loại nấm gây ngộ độc biểu hiện muộn sau 6 giờ ăn, nguy hiểm hơn cả và thường gây tử vong. Thuộc nhóm này ở Việt Nam có loài nấm độc tán trắng (Amanita verna) và nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa), hình thức trông trắng, đẹp mắt và hấp dẫn nhất trong các loài nấm độc, vị rất ngon sau khi được nấu chín.
Độc tố của các loài nấm này là amatoxin, gây tổn thương ruột, gan, thận, tim và các cơ quan khác. Tình trạng ngộ độc diễn biến theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 với thời gian ủ bệnh kéo dài, xuất hiện triệu chứng muộn trong vòng ít nhất 6 giờ sau ăn, thường hàng chục giờ, khi biểu hiện thì luôn khởi đầu với những biểu hiện về tiêu hóa thường rất nặng (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy cấp nhiều lần), giai đoạn này kéo dài 1-2 ngày.
Giai đoạn 2, (1-2 ngày kế tiếp), các biểu hiện tiêu hóa lắng dịu khiến bệnh nhân và thầy thuốc chưa có kinh nghiệm dễ hiểu nhầm là đã khỏi, tuy nhiên gan bắt đầu bị tổn thương. Giai đoạn 3, (từ khoảng ngày từ 3 trở đi), biểu hiện viêm gan, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, vàng da, chảy máu, tinh thần kích thích đi vào hôn mê và tử vong.
Tỷ lệ tử vong của ngộ độc loại nấm này, theo ước tính của Trung tâm Chống độc, là khoảng 50%, bao gồm cả các ca tử vong tại tuyến trước và tại gia đình.
"Khi có biểu hiện ngộ độc khoảng 6 giờ sau ăn, chất độc đã đi qua dạ dày và xuống ruột, hấp thu phần lớn vào cơ thể. Các biện pháp cấp cứu ban đầu sẽ không còn tác dụng", bác sĩ Nguyên nói.
![]() |
Bác sĩ và người nhà bệnh nhân tìm hiểu về các loại nấm. Ảnh: Nguyên Hà |
Còn nhóm gây ngộ độc sớm là xuất hiện triệu chứng trước 6 giờ sau ăn. Nhóm này có nhiều loại nấm hơn, có nấm màu sắc sặc sỡ, có nấm nhìn không hấp dẫn. Tùy loài nấm, thường chỉ gây đau bụng nôn, tiêu chảy, có thể có triệu chứng thần kinh, tâm thần, tim mạch. Các bệnh viện tuyến huyện hiện nay có thể điều trị được cho bệnh nhân ngộ độc nấm nhóm này.
Khi không may ăn phải nấm nghi ngờ là nấm độc, tùy theo điều kiện tại chỗ, bệnh nhân được cấp cứu gây nôn (mới ăn xong, vẫn tỉnh táo). Trường hợp bệnh nhân tiêu chảy, nôn nhiều có thể uống các loại nước để bù nước, bù muối. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Với các loại nấm gây ngộ độc chậm, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như không còn tác dụng. Vì vậy, bệnh nhân cần được cấp cứu và điều trị tích cực ngay tại bệnh viện có điều kiện tốt về chống độc và cấp cứu hồi sức. Quá trình điều trị vô cùng phức tạp, cần rất tích cực, nhiều nguồn lực, tốn kém...
Để phòng ngừa ngộ độc nấm, người dân tuyệt đối không nên hái các loại nấm hoang dại để ăn (trừ mộc nhĩ). Hiện khó phân biệt nấm độc và không độc, kể cả với chuyên gia.
Lê Nga