Vitamin K có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe con người, chủ yếu tham gia vào quá trình đông máu, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và xương khớp, cải thiện khả năng nhận thức, làn da. Chất dinh dưỡng này cũng đem đến nhiều lợi ích cho phổi.
Tác dụng chống viêm: Viêm là phản ứng miễn dịch tự nhiên giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, viêm mạn tính có thể gây tổn thương phổi, khó thở. Người có nồng độ vitamin K thấp có nhiều khả năng bị viêm mạn tính ở phổi.
Kích hoạt protein Matrix Gla (MGP): Vitamin K cần thiết cho việc kích hoạt protein Matrix Gla (MGP). MGP tham gia vào quá trình điều hòa canxi trong cơ thể và ngăn ngừa sự tích tụ canxi trong các mô mềm, bao gồm mạch máu và phổi. Điều này rất quan trọng vì vôi hóa mô phổi góp phần gây ra các vấn đề liên quan đến phổi.
Tăng cường sức khỏe mạch máu: Vitamin K cũng tham gia vào việc duy trì sức khỏe mạch máu. Chức năng mạch máu bình thường thúc đẩy phổi hoạt động tối ưu, ngược lại chức năng mạch máu suy yếu thúc đẩy các bệnh về phổi phát triển.
Kích hoạt osteocalcin và mô phổi: Osteocalcin là một protein được kích hoạt bởi vitamin K, chủ yếu liên quan đến sức khỏe xương. Chúng cũng có thể đóng vai trò trong sức khỏe phổi bằng cách ảnh hưởng đến chức năng, sự phát triển của mô phổi. Người có nồng độ vitamin K thấp có nhiều khả năng bị suy giảm chức năng phổi, nghĩa là họ dễ gặp khó khăn khi thở. Điều này do một số yếu tố, bao gồm hẹp đường thở, viêm, giảm sản xuất chất giữ cho đường thở của phổi mở. Khò khè là âm thanh rít the thé có thể xảy ra khi đường thở bị hẹp. Người có lượng vitamin K thấp dễ bị khò khè hơn.
Tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và COPD: Hen suyễn và COPD là các bệnh phổi mạn tính có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Người có lượng vitamin K thấp có nhiều khả năng mắc các bệnh này.
Mỗi người bổ sung vitamin K bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Các loại rau lá xanh như rau bina, bông cải xanh, bắp cải, rau diếp, kiwi, việt quất, mâm xôi có nhiều vitamin K. Người trưởng thành cần khoảng 90-120 mcg vitamin K mỗi ngày (nam giới 120 mcg, nữ giới 90 mcg), trong khi trẻ em có nhu cầu thấp hơn và tăng dần theo độ tuổi. Cơ thể thừa vitamin K (thường do sử dụng liều cao vitamin K tổng hợp hoặc không đúng chỉ định) có thể gây ra các tác dụng phụ như tán huyết, vàng da, gan to, xanh xao, khó thở, giảm vận động, phù nề...
Lê Nguyễn (Theo WebMD, Hindustan Times)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |