Người phụ nữ ở Hà Nội có tiền sử mỡ máu cao, huyết áp không ổn định. Gần một năm trước, chị đọc quảng cáo "có cánh" về tinh dầu thông đỏ trên Facebook. Người bán nói "một viên ép ra từ 1 kg thông, là thực phẩm chức năng duy nhất trên toàn thế giới có khả năng hóa lỏng mỡ thừa sau 30 giây. Ngoài ra, thực phẩm còn có công dụng đánh tan các chất đọng trong thành mạch gây tác động mạch vành, từ đó ngăn ngừa xơ vữa động mạch, đột quỵ".
Chị Thảo ngưng thuốc điều trị về tình trạng xơ vữa động mạch của bác sĩ kê trước đó, bỏ ra 2-3 triệu mua tinh dầu thông đỏ xách tay từ Hàn Quốc, uống đều đặn mỗi ngày 2 viên theo hướng dẫn. Sau một thời gian chị tái khám, chỉ số mỡ máu vẫn ở mức cao, mảng xơ vữa động mạch thậm chí có dấu hiệu tiến triển nặng hơn - nguy cơ đau tim và đột quỵ. Đặc biệt, cân nặng của người phụ nữ không giảm, chỉ số mỡ bụng tăng đáng kể.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, nhận định việc ngưng thuốc, dùng sản phẩm mập mờ về nguồn gốc, quảng cáo thiếu cơ sở khoa học khiến bệnh nhân bỏ lỡ giai đoạn điều trị bệnh, tình trạng chuyển xấu. Bệnh nhân được tư vấn dùng thuốc trở lại, thay đổi lối sống và tái khám định kỳ tầm soát nguy cơ, can thiệp nếu cần.
Cũng bị cuốn vào những lời quảng bá như "ngừa ung thư", "cải lão hoàn đồng", "tăng miễn dịch", chị Ngọc, 53 tuổi, bỏ ra gần 2 triệu đồng mỗi tháng để uống tinh dầu thông đỏ, bỏ qua các lần tầm soát ung thư vú định kỳ. Đầu năm, xuất hiện triệu chứng đau tức ngực nhưng chị chủ quan cho rằng chỉ là rối loạn nội tiết. Đến khi nhập viện, khối u đã phát triển sang giai đoạn 2. Bác sĩ khẳng định, nếu tầm soát sớm, cơ hội chữa khỏi sẽ cao hơn đáng kể.
Tìm kiếm từ khóa "tinh dầu thông đỏ" trên các nền tảng sẽ thấy nhiều quảng cáo "thổi phồng" tác dụng chữa bách bệnh như phòng ngừa đột quỵ, ung thư, bổ não, khớp, kéo dài tuổi thọ, trị đau mỏi vai gáy, đặc biệt khả năng "hóa lỏng mỡ thừa sau 30 giây". Giá bán từ 850.000 đến 2.500.000 đồng/hộp; dòng cao cấp có thể lên đến 9 triệu đồng mỗi hộp 120 viên.
Bác sĩ Mạnh nhận định hiện không có cơ sở khoa học chứng minh những sản phẩm này có tác dụng hóa lỏng mỡ thừa sau 30 giây, giảm mỡ máu, trị tiểu đường hay phòng ngừa vấn đề tim mạch, đột quỵ, cải lão hoàn đồng, thậm chí ung thư. Việc quảng cáo thổi phồng tác dụng và bán với giá cao có thể khiến khách hàng lầm tưởng, đến khi có triệu chứng bệnh thực sự không chọn phương pháp điều trị chính thống, bỏ lỡ thời gian vàng.
Thực tế, tinh dầu thông dầu đỏ không được bất kỳ cơ quan y dược quốc tế uy tín nào (FDA, EMA, WHO) công nhận là thuốc điều trị bệnh. Các hiệu quả chủ yếu được rút ra từ thí nghiệm trên động vật hoặc nghiên cứu quy mô nhỏ, cần thêm công trình sâu hơn. Hầu hết sản phẩm tinh dầu thông đỏ được xếp là "thực phẩm chức năng", chỉ hỗ trợ sức khỏe, không thể thay thế thuốc điều trị hoặc có tác dụng phòng bệnh đặc hiệu.
Ngoài ra, để tạo ra một sản phẩm từ thảo dược tốt, nhà sản xuất cần có một chu trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm, được cấp phép. Việc mua sản phẩm trôi nổi trên mạng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bao bì không có tiếng Việt, không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ hàng giả rất lớn.
Khách hàng sử dụng hàng giả không những không nhận được lợi ích như quảng cáo, ngược lại còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe, dị ứng thành phẩm, thậm chí ngộ độc, ảnh hưởng nội tiết tố, về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ suy giảm chức năng gan, thận, sinh bệnh tật.
![]() |
Một sản phẩm tinh dầu thông đỏ quảng cáo trên mạng. Ảnh: Ảnh chụp màn hình |
Cùng quan điểm, Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho rằng thực phẩm chức năng ngày càng được "truyền thông quá đà" trên mạng xã hội, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Các sản phẩm này thường được tiếp thị như "phép màu" nhưng không trải qua nghiên cứu hoặc chứng minh lâm sàng. Tự ý bổ sung không rõ liều lượng, nguồn gốc tiềm ẩn nhiều rủi ro như ngộ độc, dư thừa chất. Chưa kể, người bệnh chủ quan, bỏ qua dấu hiệu bệnh ban đầu, khiến bệnh diễn biến nặng. Đặc biệt, mua hàng qua mạng không biết nguồn gốc mặt hàng, xuất xứ nên rủi ro cao hơn.
"Thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc điều trị và không phải cứ sử dụng là tránh được nguy cơ bệnh tật, bất chấp lối sống không lành mạnh", chuyên gia nói.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tin tưởng vào những lời quảng cáo "thần kỳ", đồng thời yêu cầu các cơ quan siết chặt quản lý mua bán sản phẩm qua mạng, đặc biệt những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Người dùng có thể tìm kiếm những sản phẩm nhập khẩu chính hãng đã được Bộ Y Tế cấp phép, có số xác nhận công bố, sản phẩm được bảo hộ bởi những tập đoàn lớn để tránh mua những sản phẩm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng nguy hại cho sức khỏe.
Các trang web như congkhaiyte.moh.gov.vn hoặc nghidinh15.vfa.gov.vn là những địa chỉ chính thống để tra cứu thông tin về sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Trường hợp có bệnh lý, hãy đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
Thúy Quỳnh