BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết như trên, thêm rằng người lớn mắc sởi thường gặp ở nhóm nguy cơ cao. Họ gồm những người chưa từng tiêm ngừa sởi, có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh nền, đang điều trị hóa chất, ung thư.
"Một số người trở nặng do không khám và điều trị bệnh tại cơ sở y tế, coi sởi là bệnh nhẹ, có thể tự khỏi", bác sĩ Chính nói.
Một lý do khác là tỷ lệ mắc sởi ở người trưởng thành thường thấp hoặc quan niệm bệnh chỉ xuất hiện ở trẻ em, do đó không đến bệnh viện khám khi có triệu chứng nghi nhiễm.
![]() |
Người lớn mắc sởi biến chứng suy hô hấp, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương |
Khi chậm trễ điều trị, sởi có thể biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, tử vong. Phụ nữ mang thai nhiễm sởi có thể đối mặt với nguy cơ sinh non hoặc sảy thai. Nguy cơ bệnh sởi biến chứng ở người lớn tương đương với nhóm trẻ em. Sau khi hết sốt, nếu không được chăm sóc cẩn thận, bệnh nhân có thể bị sốt cao trở lại cùng các triệu chứng như đau đầu, co giật hoặc hôn mê.
Virus sởi còn có thể phá hủy hệ miễn dịch, khiến cơ thể giảm khả năng chống lại mầm bệnh khác. Người bệnh dễ bị nhiễm trùng cơ hội, đặc biệt là người lớn vốn có sẵn các bệnh nền. Ví dụ, những người mang vi khuẩn lao tiềm ẩn, sự suy yếu miễn dịch do sởi gây ra có thể kích hoạt bệnh lao phổi tiến triển.
Hiện bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các phương pháp điều trị hiện nay tập trung vào chăm sóc và kiểm soát triệu chứng. Tuy nhiên ở người lớn có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, việc điều trị khó khăn và kéo dài hơn do phải vừa điều trị sởi vừa phải kiểm soát bệnh nền, phối hợp nhiều loại thuốc.
"Do đó, người lớn cũng cần cảnh giác với bệnh sởi, không chỉ trẻ em", bác sĩ Chính nói.
Bệnh sởi đang vào chu kỳ bùng phát dịch 5 năm một lần trong khi tỷ lệ tiêm chủng thấp nên số ca nhiễm tăng ở nhiều địa phương. Nhiều ca bệnh là người trưởng thành, có diễn biến nặng. Như Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị cho hơn 104 ca sởi ở người lớn, đa phần chưa tiêm vaccine sởi hoặc không tiêm nhắc lại, trong đó một ca tử vong.
Các triệu chứng nghi mắc sởi gồm: sốt, phát ban, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt. Bác sĩ Chính khuyến cáo người lớn có một trong các dấu hiệu trên, nên khám ngay để được chẩn đoán sớm. Trong quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, bù nước, bù dinh dưỡng phù hợp, theo dõi các dấu hiệu trở nặng để nhập viện điều trị kịp thời.
Người bệnh và gia đình không tự ý dùng thuốc, chữa bệnh theo mẹo dân gian khiến bệnh nặng hơn. Chế độ ăn cần đầy đủ chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá ngặt nghèo. Bệnh nhân nên ngủ đủ giấc, vận động nhẹ nhàng nhằm tăng cường đề kháng, giúp bệnh nhanh khỏi.
Để phòng sởi, người lớn có nguy cơ cao được khuyến cáo chủ động tiêm vaccine kết hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác. Họ gồm những người mắc bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi, không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi.
![]() |
Người lớn tuổi tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella tại Trung tâm VNVC Sunrise City quận 7, TP HCM. Ảnh: Diệu Thuần |
Hiện Việt Nam sử dụng hai loại vaccine sở dành cho người lớn, chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ gồm: mũi sởi đơn và mũi phối hợp phòng ba bệnh sởi - quai bị - rubella. Mỗi người cần tiêm đủ ít nhất hai mũi cách nhau một tháng nếu chưa tiêm hoặc không nhớ lịch sử tiêm chủng trước đó. Phụ nữ cần hoàn thành hai mũi vaccine tốt nhất trước khi mang thai ba tháng. Việc tiêm chủng sẽ giúp người mẹ có miễn dịch với bệnh, truyền kháng thể bảo vệ con trong những tháng đầu đời.
Bác sĩ Chính cho biết tiêm đủ mũi vaccine sởi có hiệu quả phòng bệnh đến 98%, người có bệnh nền đang điều trị ổn định, không có tình trạng suy giảm miễn dịch vẫn tiêm được vaccine. Người dân nên đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ trao đổi kỹ về tiền sử bệnh, dị ứng, thuốc đang dùng... từ đó chỉ định loại vaccine phù hợp.
Những người không được tiêm vaccine gồm trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân lao tiến triển chưa điều trị, người bị AIDS. Họ cần chú ý phòng sởi bằng cách vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ môi trường thông thoáng; không tiếp xúc với người bệnh hoặc người có triệu chứng nghi sởi như sốt, phát ban, ho, viêm long đường hô hấp... Khi đến nơi đông người, nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách... Người nhà và những người xung quanh cần tiêm phòng đầy đủ để giảm nguy cơ lan truyền virus.
Mọi người hạn chế tiếp xúc với ca nghi mắc hoặc bệnh nhân sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần mang khẩu trang và vệ sinh tay sau khi tiếp xúc người bệnh.
Diệu Bình