Bác sĩ Nguyễn Như Điền, Quản lý Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh ca nhiễm sốt xuất huyết đang tăng cao toàn quốc, nhiều bệnh nhân bị tổn thương đa tạng, trong đó có suy thận cấp phải lọc máu liên tục.
![]() |
Bệnh nhân bị suy thận cấp do mắc sốt xuất huyết cần lọc máu liên tục nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Ảnh minh họa: Đinh Tiên |
Suy thận cấp là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, cơ chế dẫn đến tình trạng này chưa được xác định rõ. Một số giả thiết được các bác sĩ đưa ra như virus tấn công trực tiếp gây tổn thương mô thận. Tình trạng thoát dịch làm cô đặc máu hoặc huyết động không ổn định gây giảm sự tưới máu đến thận, giảm mức lọc cầu thận. Bệnh nhân cũng có thể bị tiêu cơ vân gây tổn thương hoặc tắc nghẽn ống thận hay virus gây viêm cầu thận.
Theo bác sĩ Điền, suy thận cấp là biến chứng nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong và tạo ra gánh nặng chi phí điều trị. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50%, theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Việt Nam, dựa trên dữ liệu 40 bệnh nhi sốt xuất huyết nặng có chỉ định lọc máu liên tục tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ tháng 1/2017 đến tháng 12//2021.
Người bệnh cũng có nguy cơ bị suy thận cấp sau khi khỏi sốt xuất huyết, như ông Vinh, 49 tuổi, nhập viện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội hồi tháng 1/2024. Hiện, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà phác đồ tùy diễn biến bệnh, như dùng thuốc hạ sốt, bù dịch, thở máy, lọc máu, thay huyết tương...
![]() |
Người lớn tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Thảo |
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, lây từ người sang người chủ yếu qua vết đốt của muỗi vằn cái Aedes Aegypti. Có 4 type huyết thanh gây bệnh gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Một người có thể mắc bệnh tới 4 lần, nguy cơ bệnh nặng hơn ở những lần sau.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", bác sĩ Điền nói, đồng thời khuyến cáo mọi người tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn kể cả vào ban ngày, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem bôi hoặc thuốc xịt chống muỗi. Dọn sạch những nơi trú ngụ của muỗi, đổ bỏ nước thừa đọng trong xô chậu, cống rãnh quanh nhà.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Hiện Việt Nam có vaccine Qdenga do hãng dược Takeda sản xuất, chỉ định tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau 3 tháng. Vaccine giúp giảm hơn 80% nguy cơ mắc sốt xuất huyết, giảm nguy cơ nhập viện tới hơn 90%. Phụ nữ nên hoàn thành lịch tiêm trước khi mang thai tốt nhất là ba tháng, tối thiểu một tháng.
Hoàng Dương