Câu chuyện được bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ hôm 14/4. Nam sinh sống ở Hà Nội, tâm sự với bác sĩ rằng bố mình là người từng học rất giỏi. Thành công học tập của Nam thường được bố đón nhận bằng nụ cười nhạt và sau đó là những lời nói với người khác khi tưởng em không nghe thấy, như "được 7, 8 điểm thì khoe, còn 5, 6 thì im thin thít". Mỗi khi vào phòng thấy Hoàng đang nghe nhạc hoặc xem phim, bố lại mắng "học hành chểnh mảng" rồi giật tai nghe và tịch thu máy tính.
"Con chỉ mong bố hiểu là con cũng cố gắng hết sức, và bố cần trân trọng những sự cố gắng của con", Hoàng tâm sự. Sau khi khám và làm bài kiểm tra tâm lý, bác sĩ chẩn đoán Nam mắc chứng rối loạn lo âu, kê đơn thuốc đồng thời tư vấn cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu và ghi nhận các cảm xúc cũng như nỗ lực của con.
Còn Minh, 13 tuổi, nhớ tuổi thơ thường xuyên ăn chực nhà hàng xóm. Cuối tuần bố mẹ vắng nhà chỉ đưa con ít tiền và nói "vào siêu thị muốn mua gì thì mua". Gia đình Minh mỗi người sinh hoạt một giờ nên ăn uống không cùng nhau. Hiếm khi có dịp quây quần, những bữa ăn chỉ toàn bố mẹ nói chuyện công việc hoặc tiếng tivi, dao đũa chạm nhau. Đôi lúc bố hỏi Minh "Dạo này học hành ở lớp thế nào?", con đáp: "Bình thường", là kết thúc. Con có chuyện buồn, mẹ nói: "Có gì phải buồn", có việc cần hỏi ý kiến thì bố mẹ trả lời "lớn rồi, tự lo đi" hoặc "lo học thôi, đừng nghĩ linh tinh".
"Không ai quan tâm đến cảm xúc của con", Minh kể với bác sĩ, nói rằng vì vậy không muốn chia sẻ với bố mẹ nữa, trở nên xa lánh, hay cáu gắt. Cuối cùng Minh được bố mẹ đưa đến viện khám với lý do sống thu mình, ít giao tiếp, mất ngủ và hay tự ý nghỉ học. Sau khi tiến hành các bài kiểm tra, thạc sĩ Hoàng Quốc Lân, chuyên gia tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm nhẹ.
![]() |
Ảnh minh họa: Drnohle |
Bác sĩ Lân cho biết không chỉ ở trong những gia đình bất hòa hay khó khăn có thể khiến trẻ tổn thương. "Ngay cả trong những ngôi nhà tưởng chừng hạnh phúc, vật chất đầy đủ, trẻ em vẫn dễ dàng rơi vào trạng thái lạc lõng bởi sự thiếu hụt giao tiếp và kết nối", ông Lân nói, thêm rằng đây là hội chứng Childhood Emotional Neglect (CEN), hay thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu. Một ví dụ về CEN là khi đứa trẻ kể với phụ huynh về những gì xảy ra ở trường nhưng bị gạt đi. Dần dần, trẻ sẽ nghĩ cảm xúc của mình không quan trọng và ngừng tìm kiếm sự chia sẻ từ cha mẹ.
Giai đoạn tuổi dậy thì cũng là thời điểm tâm sinh lý thay đổi mạnh mẽ, trẻ nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương và có xu hướng suy nghĩ tiêu cực. Những lời nói hay hành động vô tâm có thể trở thành "vết sẹo tâm lý", dần nuôi dưỡng sự cô đơn, hình thành thói quen không chia sẻ, sống thu mình, nhất là những lúc trẻ thực sự khó khăn. Điều này tạo ra sự bế tắc, thúc đẩy rối loạn tâm thần phát triển.
Tiến sĩ Jonice Wepp, trong cuốn Running on Empty: Overcome Your Childhood Emotional Neglect, liệt kê các dấu hiệu thường gặp ở người trải qua CEN gồm: đánh giá bản thân khắt khe, khó hiểu và diễn tả cảm xúc, cảm giác cô đơn hoặc trống rỗng, lo sợ bị từ chối, khó kiểm soát cảm xúc, khó nhờ vả người khác, thường buồn bã không rõ lý do, lo lắng về năng lực bản thân và thiếu kỷ luật tự giác. Tuy nhiên, đây không phải danh sách dùng để chẩn đoán và không áp dụng với tất cả mọi người.
Cùng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hương Lan, Viện đào tạo BHIU trường Đại học quốc tế Bắc Hà, nhìn nhận xã hội ngày càng phát triển, trẻ em lớn lên trong sự đầy đủ vật chất nhưng phải đối mặt với một dạng "nghèo đói" mới - sự nghèo nàn về kết nối cảm xúc và sự hiện diện thực sự của cha mẹ. Đây không phải là sự bỏ bê thể chất, mà là bỏ rơi tinh thần nghiêm trọng.
Nhiều phụ huynh làm việc với cường độ cao, định nghĩa thành công gắn liền với vật chất nên đánh đổi thời gian bên con, quan niệm đó là cách thể hiện tình yêu tốt nhất. Họ cho con sự tự do, không có quy tắc hay bắt học nhiều, bởi nghĩ "vật chất của mình có thể làm con có cuộc sống tốt" nên mải mê kiếm tiền bất kể sáng tối.
Nhiều trẻ có xu hướng tìm đến sự kết nối bên ngoài, lạm dụng thiết bị điện tử, dùng mạng xã hội - nơi đầy rẫy thông tin tiêu cực, tác động đến tâm lý, hành vi; hoặc nhìn mọi người chia sẻ lên những khoảnh khắc đẹp đẽ về gia đình, dễ khiến trẻ "chạnh lòng", gây mệt mỏi, căng thẳng.
Các triệu chứng trầm cảm ở trẻ em thường bắt đầu từ sự buồn bã kéo dài, xu hướng tự cô lập, mất tập trung trong học tập, kèm rối loạn giấc ngủ và ăn uống. Một số trẻ tự làm hại bản thân, trong khi nhiều trường hợp xuất hiện các triệu chứng thực thể như đau đầu, đau bụng mà không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Nếu không được can thiệp kịp thời, rối loạn tâm lý dễ dẫn tới tự tử.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tỷ lệ trẻ dưới 13 tuổi mắc trầm cảm dao động từ 0,3% đến 7,8%, con số này tăng lên 3-7% ở độ tuổi 15. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy 44% thanh thiếu niên thường xuyên rơi vào trạng thái buồn bã, tuyệt vọng, và gần 20% thừa nhận từng nghĩ tới tự tử. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 12% trẻ em có các rối loạn tâm thần và cần hỗ trợ tâm lý.
Để con không mắc CEN, bố mẹ cần chú ý đến việc nuôi dưỡng cảm xúc của con ngay từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống. Khi con chia sẻ, hãy thực sự lắng nghe mà không phán xét hay vội vàng đưa ra lời khuyên. Hãy để trẻ cảm nhận được rằng cảm xúc và câu chuyện của con là quan trọng.
Thay vì tạo áp lực thành tích, hãy là người đồng hành, hướng dẫn, giúp con tự tin hơn trong việc khám phá năng lực của bản thân. Đừng bỏ qua những dấu hiệu con buồn bã hoặc stress. Hãy dạy con cách nhận biết, đối mặt và giải quyết cảm xúc của mình.
Theo thạc sĩ Lân, chìa khóa nằm ở việc xây dựng sự kết nối sâu sắc với con cái. Thay vì hỏi: "Học hành thế nào", hãy thử đặt câu hỏi đầy cảm xúc hơn: "Hôm nay có gì vui buồn không?". Quan tâm không chỉ là hiện diện về mặt thời gian, mà cần hành động tinh tế, từ những buổi trò chuyện nhẹ nhàng, các chuyến du lịch gia đình, tới việc cùng xem một chương trình yêu thích.
Sự đồng hành chân thành là cách duy nhất giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. "Hãy nhớ, một câu nói vô tâm có thể là 'vết sẹo' tâm lý, nhưng một lời an ủi đúng lúc có thể là 'nhịp cầu' mang lại ánh sáng cho đời sống tinh thần của con trẻ", chuyên gia nói.
Thúy Quỳnh