ThS.BS Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết loãng xương thường gặp ở nữ giới sau mãn kinh (50 tuổi trở lên) và nam giới từ 70 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa, nhất là ở người trẻ ít vận động, ăn uống thiếu canxi và vitamin D, làm việc trong môi trường thiếu ánh nắng hoặc phụ nữ sau sinh không được bổ sung vi chất hợp lý.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ loãng xương cao trên thế giới. Viện Dinh dưỡng Quốc gia tầm soát mật độ xương gần 100.000 người năm 2023-2024 cho thấy 50% người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ loãng xương và 27% đã loãng xương. Một số thống kê ước tính khoảng 10% nữ tuổi 20-50 và 7% nam độ tuổi này bị loãng xương. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người trẻ chiếm 25% số ca loãng xương được ghi nhận, theo bác sĩ Ngọc.
Quá trình loãng xương thường diễn ra âm thầm nên dễ bị bỏ qua. Khi xương đã quá giòn, người bệnh đau lưng mạn tính hoặc giảm chiều cao, gãy xương... bệnh mới được phát hiện, lúc này điều trị phức tạp. Như chị Hạnh, 28 tuổi, không bổ sung canxi suốt thai kỳ lẫn sau sinh vì lo con to và sỏi thận. Một lần va nhẹ vào giường gãy xương chậu, chị đo mật độ xương tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận loãng xương nặng, nồng độ vitamin D trong máu thấp rõ rệt.
Còn anh Hùng, 36 tuổi, ăn chay trường 7 năm, làm việc tại nhà, hay mỏi thắt lưng, tê bì tay chân. Bác sĩ chẩn đoán anh thiếu canxi, vitamin D, mật độ xương thấp hơn nhiều so với trung bình độ tuổi. Bác sĩ chỉ định bổ sung canxi, vitamin D, hướng dẫn chị Hạnh và anh Hùng điều chỉnh chế độ ăn, tăng tiếp xúc ánh nắng và vận động phù hợp. Cả hai được theo dõi mật độ xương định kỳ để kịp thời điều chỉnh phác đồ.
![]() |
Kiểm tra mật độ xương tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Linh Đặng |
Sau tuổi 30, mật độ xương bắt đầu giảm dần. Ở nữ, tốc độ mất xương tăng đột biến trong 5-10 năm đầu sau mãn kinh. Ở nam, tốc độ chậm hơn nhưng người uống rượu bia nhiều, ít vận động hoặc mắc bệnh lý mạn tính làm rối loạn hấp thu thuộc nhóm nguy cơ cao. Phụ nữ sau sinh và cho con bú như chị Hạnh là nhóm có nhu cầu canxi và vitamin D rất cao.
Theo bác sĩ Ngọc, nếu không bổ sung đúng cách, cơ thể sẽ tự "rút" canxi từ hệ xương để duy trì nồng độ canxi ổn định trong máu, dẫn đến xương bị thưa, giòn và dễ gãy dù chỉ chấn thương nhẹ. Chế độ ăn không cân đối cũng dễ dẫn đến thiếu vi chất thiết yếu cho xương. Ít tiếp xúc ánh nắng càng làm giảm khả năng tổng hợp vitamin D.
"Nhiều người lầm tưởng chỉ người lớn tuổi mới cần bổ sung canxi, trong khi thực tế nhu cầu canxi cao nhất ở lứa tuổi đang phát triển (dậy thì), phụ nữ mang thai hoặc cho con bú và người trên 50 tuổi", bác sĩ Ngọc nói, cho hay người trưởng thành cần khoảng 1.000-1.200 mg canxi mỗi ngày, nhưng khẩu phần ăn của người Việt thường không đáp ứng đủ mức này. Ngoài các yếu tố liên quan đến dinh dưỡng và lối sống, loãng xương ở người trẻ còn bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý.
![]() |
Bác sĩ Ngọc tư vấn cho người trẻ về tầm soát và phòng ngừa loãng xương sớm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh |
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo nên chăm sóc xương giai đoạn đầu đời đến trước 25-30 tuổi góp phần giảm nguy cơ loãng xương về sau. Chế độ ăn với sữa, cá nhỏ nguyên xương, đậu phụ, rau xanh cung cấp canxi từ nguồn thực phẩm. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ, bổ sung vitamin D. Phụ nữ mang thai và sau sinh cần bổ sung canxi và vitamin D theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người trưởng thành nên tiếp xúc ánh nắng buổi sáng 15-30 phút mỗi ngày để tổng hợp vitamin D. Trường hợp không thể đảm bảo qua ăn uống có thể sử dụng viên bổ sung canxi - vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nữ trên 50 tuổi, nam trên 70 tuổi, người từng gãy xương bất thường, người ăn chay nghiêm ngặt, mắc bệnh mạn tính như cường giáp, suy thận, bệnh gan mạn, bệnh khớp viêm mạn tính... cần kiểm tra mật độ xương định kỳ.
Linh Đặng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |