Hôi miệng rất phổ biến, có thể do ăn các loại thực phẩm như tỏi, hành tây hoặc cá. Tình trạng này cũng liên quan đến vấn đề về răng, nướu, lưỡi, thực quản, dạ dày. Dưới đây là một số cách giúp giảm hôi miệng do bệnh dạ dày gây ra.
Ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh quan trọng cho sức khỏe tổng thể, có thể ngăn ngừa hôi miệng. Ăn thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường thường phá vỡ hệ vi khuẩn có lợi trong miệng và hệ tiêu hóa, dẫn đến sâu răng, tiêu hóa kém, hôi miệng. Bác sĩ có thể tư vấn chế độ ăn uống hỗ trợ sức khỏe đường ruột, kiểm soát hoặc ngăn ngừa hôi miệng.
Điều trị trào ngược axit và GERD
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây hôi miệng. Bệnh xảy ra khi axit dạ dày, mật và thức ăn chưa tiêu hóa, trào ngược lên thực quản (ống dẫn thức ăn) và vào miệng. Điều này dẫn đến các triệu chứng ợ nóng, hôi miệng và vị chua trong miệng. Người bệnh uống thuốc theo đơn của bác sĩ, thay đổi lối sống cũng có thể giúp ích. Tránh các thực phẩm và đồ uống gây trào ngược axit như caffeine, đồ uống có gas, bạc hà, thức ăn cay. Không ăn trước khi nằm, bỏ thuốc lá và kiểm soát cân nặng cũng hữu ích trong việc tránh trào ngược dạ dày thực quản và GERD.
Vệ sinh răng miệng
Vệ sinh răng miệng tốt cũng kiểm soát chứng hôi miệng. Mỗi người nên đánh răng hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa, sử dụng nước súc miệng, dụng cụ cạo lưỡi. Khám răng khoảng 6 tháng một lần, đến nha sĩ để vệ sinh răng miệng thường xuyên nhằm ngăn ngừa tích tụ mảng bám trên răng. Người mắc một số bệnh lý ảnh hưởng đến miệng hoặc hệ tiêu hóa có thể cần vệ sinh răng miệng thường xuyên hơn.
Diệt vi khuẩn có hại
Hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm vi khuẩn có lợi và gây hại sống trong hệ tiêu hóa. Đôi khi, vi khuẩn xấu bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Một trong những loại vi khuẩn đó là Helicobacter pylori (HP). Nhiễm trùng HP có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa, bao gồm loét dạ dày, hôi miệng. Thuốc kháng sinh được sử dụng để giảm lượng HP trong dạ dày. Sau khi điều trị, tình trạng hôi miệng sẽ cải thiện.
Kiểm soát hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng tiêu hóa có thể gây ra nhiều triệu chứng gồm đau, chuột rút, táo bón, tiêu chảy, hôi miệng. Điều trị bệnh giúp giảm hơi thở có mùi.
Quản lý bệnh viêm ruột (IBD)
Các bệnh viêm ruột gồm bệnh Crohn, viêm loét đại tràng... cũng gây hôi miệng. Yếu tố di truyền và tác nhân môi trường đều có thể dẫn đến các bệnh tự miễn gây viêm trong hệ tiêu hóa. Điều trị IBD bao gồm kiểm soát tình trạng viêm trong hệ tiêu hóa, người bệnh dùng thuốc, thay đổi lối sống...
Lê Nguyễn (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |