BS.CKI Vũ Văn Nam, khoa Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chóng mặt là triệu chứng phổ biến, thường gặp ở nhiều nhóm bệnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được chóng mặt lành tính do rối loạn tiền đình và chóng mặt nguy hiểm do đột quỵ. Cả hai nguyên nhân đều có thể gây mất thăng bằng, buồn nôn, nôn nhưng bản chất và mức độ nguy hiểm rất khác nhau. Chẩn đoán chính xác đóng vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng.
Chóng mặt do rối loạn tiền đình thường gặp gồm rối loạn trung ương và ngoại biên. Hệ thống tiền đình ngoại biên nằm ở tai trong, có vai trò duy trì thăng bằng và nhận biết vị trí cơ thể trong không gian. Nhóm ngoại biên bao gồm các bệnh lý như viêm mê đạo, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV), bệnh Menière. Các thể này thường lành tính, ít nguy hiểm. Trong khi đó, rối loạn tiền đình trung ương có thể do tổn thương mạch máu não, u não hoặc bệnh lý thần kinh trung ương. Đây là nhóm cần phân biệt với đột quỵ vì có triệu chứng tương tự, nhất là ở giai đoạn sớm.
Theo bác sĩ Nam, chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên thường gây cảm giác xoay tròn như mọi vật quay quanh, nặng hơn khi thay đổi tư thế như nằm - ngồi, quay đầu, cúi người. Người bệnh có thể vã mồ hôi nhưng vẫn tỉnh táo, không yếu tay chân, không rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh vẫn giữ được vận động, cảm giác, ngôn ngữ và ý thức bình thường. Cơn chóng mặt có thể kéo dài vài phút đến vài giờ và thường cải thiện khi nằm yên.
Bác sĩ Nam lưu ý đột quỵ thân não hoặc tiểu não có thể khởi phát cơn chóng mặt. Đây là tình trạng nghiêm trọng, cần cấp cứu. Chóng mặt do đột quỵ thường khởi phát đột ngột, không liên quan rõ ràng đến thay đổi tư thế và thường kèm theo các biểu hiện thần kinh. Cơn chóng mặt có xu hướng nặng dần và không cải thiện khi nằm yên. Triệu chứng đi kèm khác như yếu hoặc liệt tay chân, nhìn đôi, nói ngọng, nuốt khó, giảm hoặc mất cảm giác một bên cơ thể, mất phối hợp vận động... Một số trường hợp có rối loạn ý thức, rối loạn nhịp thở, tụt huyết áp hoặc hôn mê.
Chóng mặt do đột quỵ có thể là dấu hiệu báo trước tổn thương não nặng. Nếu bỏ sót hoặc chậm xử trí, bệnh nhân có nguy cơ liệt nửa người, mất ngôn ngữ, tử vong. Ngược lại, chóng mặt do rối loạn tiền đình lành tính thường hồi phục sau điều trị nội khoa và tập phục hồi chức năng tiền đình.
Người bệnh có dấu hiệu chóng mặt kéo dài, chưa rõ nguyên nhân, cần đi khám để được kiểm tra. Bác sĩ khám thần kinh, đánh giá nguy cơ tim mạch, tiền đình và xét nghiệm hình ảnh, từ đó xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Linh Đặng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |