Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
  • Trở lại Thể thao
  • Sức khỏe
Thứ ba, 1/7/2025 | 05:01 GMT+7

Chờ 'dài cổ' mỗi lần tái khám lấy thuốc BHYT

Bệnh đã ổn định, đơn thuốc vẫn y nguyên, nhưng tháng nào ông Thành 70 tuổi cũng phải đến bệnh viện xếp hàng từ sáng tới trưa chỉ để nhận những viên thuốc huyết áp quen thuộc.

Ông Thành bệnh cao huyết áp 7 năm nay, tuân thủ uống thuốc, ăn uống, sinh hoạt điều độ nên sức khỏe ổn định. Có điều, mỗi tháng một lần, ông phải đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang để tái khám và lĩnh thuốc BHYT khiến việc đi lại vất vả và tốn thời gian của con cháu.

"Các loại thuốc hầu hết giống so với tháng trước, tôi xin bác sĩ cho toa dài ngày hơn thay vì chỉ một tháng nhưng không được bởi quy định của BHYT kê đơn thuốc chỉ trong một tháng", ông Thành nói, thêm rằng mỗi lần tái khám phải theo quy trình xếp hàng lấy số thứ tự, khám, nhận thuốc. Quy trình này thường mất khoảng 4 tiếng.

Còn bà Hoa 67 tuổi, bệnh đái tháo đường mạn tính, hàng tháng được con gái đưa đến bệnh viện để khám theo diện BHYT và nhận thuốc. Gặp bác sĩ chừng 3 phút, chỉ được hỏi tiền sử bệnh, có duy trì đơn thuốc ngoại trú hay không, có biểu hiện bất thường không, sau đó bà được kê đơn thuốc giống tháng trước. Lần tái khám gần nhất là hôm 28/6 bà Hoa chưa đến kỳ xét nghiệm máu nên quy trình chờ đợi nhanh hơn, thường định kỳ ba tháng mới xét nghiệm.

"Có những hôm trời nóng 40 độ mẹ tôi vẫn phải đến bệnh viện xếp hàng chờ khám và lấy đơn thuốc cũ, rất tốn thời gian và mệt mỏi", chị Ngọc, con gái bà Hoa nói, bày tỏ mong muốn được kê toa thuốc BHYT 2-3 tháng một lần để đỡ vất vả.

Không chỉ ông Thành, bà Hoa, nhiều người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu, hen phế quản, phổi tắc nghẹn mạn tính... đang điều trị được BHYT chi trả phải trải qua quy trình tái khám bệnh y hệt như bệnh nhân mới là lấy số, gặp bác sĩ, làm xét nghiệm (nếu có) mới được cấp thuốc. Trong khi đó, phần lớn thuốc BHYT không thay đổi trong thời gian dài.

Lượng bệnh nhân đông, mỗi khâu đều phải chờ đợi, có người mất nửa ngày chỉ để thực hiện quy trình lặp đi lặp lại hằng tháng và đơn thuốc không nhiều thay đổi. Như Bệnh viện đa khoa Đức Giang đang điều trị, quản lý khoảng 13.000 người mắc các bệnh mạn tính, trong đó 60% bệnh nhân đã được theo dõi trên 3 năm và ổn định sức khỏe. Theo quy định BHYT, bệnh nhân được cấp phát thuốc theo toa mỗi tháng một lần. Hết tháng, bệnh nhân cần tái khám để nhận thuốc cho tháng tiếp theo. Trên thực tế, đa số bệnh nhân mong muốn được lĩnh thuốc 2-3 tháng một lần thay vì một tháng như hiện nay để giảm gánh nặng chi phí đi lại, chờ đợi và ảnh hưởng sức khỏe.

Nhân viên y tế tại nhà thuốc phát thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: Như Quỳnh

Trước bối cảnh này, Bộ Y tế đang dự thảo quy định cho phép kéo dài thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa lên 90 ngày đối với một số bệnh mạn tính đã điều trị ổn định, dự kiến có hiệu lực trong tháng 7. Chính sách này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người bệnh, đặc biệt là những người đang sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc người cao tuổi, người bệnh khó khăn trong đi lại. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm gánh nặng cho bệnh nhân và hệ thống y tế, nhưng cũng đặt ra yêu cầu khắt khe về an toàn.

TS.BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết Thông tư 52/2017 quy định kê đơn ngoại trú tối đa là 30 ngày. Ông nhìn nhận trong thực tiễn điều trị đặc biệt là với các bệnh mạn tính đã ổn định, nhu cầu kéo dài thời gian dùng thuốc là hoàn toàn chính đáng. Bộ Y tế cũng từng cho phép cấp thuốc 3 tháng trong giai đoạn Covid-19, khi bệnh nhân không thể đến bệnh viện thường xuyên. Kết quả cho thấy việc này đem lại nhiều thuận lợi như giảm gánh nặng cho cơ sở y tế, giảm thời gian và chi phí đi lại của người bệnh, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.

Hồi tháng 6/2024, Sở Y tế TP Hà Nội đã kiến nghị về việc triển khai thí điểm cấp thuốc mạn tính hai tháng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Trong 2.300 bệnh nhân được cấp phát thuốc dài ngày, kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nhận thuốc hai tháng/lần phải quay lại tái khám trong vòng 50 ngày chiếm 3%. Các nguyên nhân chủ yếu là xuất hiện tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn, cần điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc, phát sinh triệu chứng bất thường... 97% không cần phải tái khám trước khi đến đợt khám mới.

Vì vậy, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã xây dựng danh mục các bệnh mạn tính có thể được cấp thuốc dài ngày. Danh mục này được lấy ý kiến từ hơn 20 bệnh viện tuyến cuối thuộc các chuyên khoa như nội tiết, nhi, lão khoa, thần kinh, tâm thần và sau đó thẩm định qua các hội đồng chuyên môn. Tính đến nay danh mục đề xuất khoảng 200 bệnh, không chỉ gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm, mà còn mở rộng sang nhiều bệnh khác như viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, rối loạn nội tiết.

Tuy nhiên, không phải cứ mắc bệnh trong danh mục đều sẽ được mặc định cấp thuốc 90 ngày. "Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định rõ việc kéo dài thời gian kê đơn là vấn đề cần thận trọng. Bác sĩ sẽ phải đánh giá từng bệnh nhân cụ thể để quyết định số ngày cấp thuốc, có thể là 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày", TS Dương nói.

Theo đó, số ngày cấp thuốc tùy từng mã bệnh sẽ dao động từ 30 đến 90 ngày. Trong trường hợp chưa sử dụng hết thuốc, hoặc bệnh có diễn biến bất thường, hoặc không thể đến tái khám đúng hẹn, người bệnh cần đến cơ sở khám chữa bệnh để được khám lại và điều chỉnh điều trị.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Lương Đình Trung, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cũng cho biết có một tỷ lệ lớn bệnh nhân mạn tính bệnh tương đối ổn định, có thể lấy thuốc 2-3 tháng, sau đó kiểm tra lại định kỳ. Tuy nhiên, những người chưa ổn định, bác sĩ vẫn hẹn một tháng hoặc ngắn hơn để bám sát tình trạng bệnh và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Còn TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho hay bệnh nhân huyết áp cao, mỡ máu, tiểu đường, rối loạn mạch... chưa ổn định sức khỏe thì cần theo dõi, dò liều cho đến khi ổn định. Vì vậy, việc điều trị, kê đơn cần cá thể hóa từng bệnh nhân, bác sĩ cần căn cứ vào tiền sử, mức độ đáp ứng của thuốc, kết quả xét nghiệm để đưa ra khuyến cáo cụ thể, phù hợp với chuyên môn, để bệnh nhân được điều trị một cách tốt nhất.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận việc kê đơn dài ngày chỉ áp dụng với các bệnh ổn định, phác đồ điều trị rõ ràng, thuốc an toàn, không đòi hỏi xét nghiệm thường xuyên. Đồng thời người bệnh cũng cần được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng để theo dõi sức khỏe và phát hiện sớm các tác dụng phụ nếu có.

Lê Nga

Nguồn VnExpress: https://vnexpress.net/cho-dai-co-moi-lan-tai-kham-lay-thuoc-bhyt-4908152.html
Tags: bệnh mạn tính

Tin cùng chuyên mục

Vì sao nam giới có hiện tượng ngực to như phụ nữ?

Vì sao nam giới có hiện tượng ngực to như phụ nữ?

Nhiều đàn ông gặp tình trạng phì đại tuyến vú, khiến ngực phát triển bất thường tương tự phụ nữ, là căn bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí chuyển thành ung thư vú.

67 ngày cứu chữa bé trai bị nhánh cây rơi trúng đầu

67 ngày cứu chữa bé trai bị nhánh cây rơi trúng đầu

Bé trai 10 tuổi chấn thương não nặng do nhánh cây rơi từ độ cao 20 m trúng đầu từng "tiên lượng dè dặt", trải qua hai cuộc mổ tại Bệnh viện Chợ Rẫy nay chuyển biến tích cực và sắp xuất viện.

Những thói quen thường gặp khiến trẻ khó ngủ

Những thói quen thường gặp khiến trẻ khó ngủ

Ngủ trưa lâu, ăn thực phẩm có đường gần giờ đi ngủ, sử dụng các thiết bị điện tử có thể khiến trẻ khó ngon giấc, ảnh hưởng đến sự phát triển.

Dấu hiệu nhận biết vỡ phình mạch não

Dấu hiệu nhận biết vỡ phình mạch não

Vỡ phình mạch não thường xảy ra đột ngột, gây đau đầu nặng kèm yếu liệt tay chân, cứng cổ, cứng gáy, cần cấp cứu kịp thời.

Những hành vi khiến sốt xuất huyết trở nặng

Những hành vi khiến sốt xuất huyết trở nặng

Không vệ sinh răng miệng, kiêng tắm, kiêng ăn quá mức hay hạ sốt cấp tốc... khiến bệnh sốt xuất huyết trở nặng, không giúp cải thiện bệnh.

Điều gì xảy ra khi thở bằng miệng vào ban đêm?

Điều gì xảy ra khi thở bằng miệng vào ban đêm?

Thở bằng miệng vào ban đêm khiến da mất độ ẩm nhiều hơn, giảm chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần.

Chơi kéo dây thun, bé trai bị bóng tennis đập vào mắt dập nhãn cầu

Chơi kéo dây thun, bé trai bị bóng tennis đập vào mắt dập nhãn cầu

Bé 6 tuổi chơi kéo bóng bằng dây thun bất ngờ quả bóng bật ngược trở lại đập vào mắt trái từ khoảng cách 3 mét gây dập nhãn cầu, xuất huyết trong.

Lợi ích khi người tiểu đường nên ăn sữa chua mỗi ngày

Lợi ích khi người tiểu đường nên ăn sữa chua mỗi ngày

Sữa chua giàu carbohydrate, protein, chất béo và hàm lượng lợi khuẩn dồi dào giúp người tiểu đường no lâu, tiêu hóa tốt.

Tại sao ngồi nhiều không tốt cho tim mạch?

Tại sao ngồi nhiều không tốt cho tim mạch?

Ngồi một chỗ quá lâu dễ khiến cơ thể tích mỡ, cản trở quá trình lưu thông máu, tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và gây huyết áp cao.

Polyp tử cung - nguyên nhân tiềm ẩn gây vô sinh

Polyp tử cung - nguyên nhân tiềm ẩn gây vô sinh

Polyp tử cung có thể cản trở tinh trùng gặp trứng dẫn đến vô sinh, thường tiến triển âm thầm, ít triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện.

Vie Tiếng Việt
Eng English
China 中国人
  • Thời sự
  • Thế giới
  • Kinh doanh
  • Giải trí
  • Thể thao
  • Pháp luật
  • Giáo dục
  • Sức khỏe
  • Đời sống
  • Du lịch
  • Khoa học
  • Số hóa
  • Xe
FPT Tower, 10 Pham Van Bach Street, Dich Vong Ward,
Cau Giay District, Hanoi, Vietnam
Email: contacts@vnportal.net
Tel: 028 7300 9999 - Ext 8556
Advertise with us: 090 293 9644
Register
© Copyright 2025 vn24h.net. All rights reserved.
Điều khoản sử dụng Chính sách bảo mật Cookies