Anthony Thomas "TJ" Hoover II, 46 tuổi, cư trú tại quận Laurel, bang Kentucky, được xác định chết não vào tháng 7/2024 tại Trung tâm Y tế Saint Joseph London, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đại học Louisville để hiến tạng. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm các bác sĩ chuẩn bị lấy nội tạng, ông bất ngờ có phản ứng thần kinh rõ rệt như bật khóc và cử động chân. Toàn bộ ca mổ lập tức bị đình chỉ. Vụ việc chấn động buộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ mở cuộc điều tra liên bang vào hôm 21/7, đồng thời đặt ra câu hỏi nghiêm túc về độ chính xác và mức độ tin cậy của các tiêu chí xác định chết não hiện hành.
Thực tế, mỗi nước có những cách tiếp cận rất khác nhau trong xác định chết não. Một số quốc gia ưu tiên tốc độ và độ tin cậy lâm sàng, trong khi nơi khác đặt yếu tố an toàn và bằng chứng khách quan lên hàng đầu.
Mỹ: Chết não đồng nghĩa tử vong về pháp lý
Tại Mỹ, khái niệm chết não được quy định trong Đạo luật Xác định Cái chết Thống nhất (UDDA) từ năm 1981. Theo đó, một người được coi là đã chết khi toàn bộ chức năng của não, gồm thân não, bị ngừng vĩnh viễn. Hướng dẫn lâm sàng của Hội Thần kinh học Mỹ cũng yêu cầu ba yếu tố: hôn mê không thể hồi phục, mất toàn bộ phản xạ thân não, không có khả năng tự thở trong xét nghiệm ngưng thở.
Trong trường hợp không thể kiểm tra rõ các yếu tố lâm sàng, bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm bổ trợ như điện não đồ (EEG) hoặc chụp mạch máu não. Tuy vậy, trên thực tế, quy trình xác định chết não tại Mỹ vẫn chủ yếu dựa vào đánh giá lâm sàng.
Vụ việc xảy ra với ông Anthony Thomas "TJ" Hoover II tại Kentucky cho thấy những lỗ hổng tiềm ẩn trong quy trình này. Dù đã được tuyên bố chết não, bệnh nhân bất ngờ có dấu hiệu thần kinh khi chuẩn bị hiến tạng.
Anh: Tập trung vào thân não
Khác với Mỹ, Anh xác định chết não dựa trên chức năng của thân não. Bộ Y tế Anh từ năm 2008 đã hướng dẫn quy trình chẩn đoán chết thân não bao gồm khám lâm sàng bởi ít nhất hai bác sĩ độc lập, không liên quan đến quy trình ghép tạng.
Các bước kiểm tra bao gồm đánh giá phản xạ ánh sáng, phản xạ nuốt, đáp ứng đau, và nghiệm pháp ngưng thở. Xét nghiệm hình ảnh chỉ được dùng nếu điều kiện lâm sàng không cho phép thực hiện đầy đủ quy trình khám.
Tại Anh, khi thân não không còn chức năng và nguyên nhân tổn thương được xác định là không thể phục hồi, bệnh nhân sẽ được tuyên bố tử vong, ngay cả khi phần vỏ não vẫn còn tín hiệu hoạt động nhẹ trong một số xét nghiệm. Đây là một điểm khác biệt rõ rệt với định nghĩa toàn bộ não như tại Mỹ.
Tính đơn giản trong quy trình giúp việc xác định chết não diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, chính vì không yêu cầu xét nghiệm hình ảnh bắt buộc, mô hình của Anh cũng từng gây tranh cãi trong các ca pháp lý liên quan đến quyền rút ống thở.
Năm 2022, vụ việc của bệnh nhân Archie Battersbee, cậu bé 12 tuổi bị tuyên bố chết thân não tại Bệnh viện Hoàng gia London, gây chấn động dư luận. Archie được tìm thấy bất tỉnh tại nhà riêng sau khi cố gắng tự tử và rơi vào hôn mê sâu. Sau nhiều ngày theo dõi không có dấu hiệu cải thiện, các bác sĩ tại Bệnh viện Hoàng gia London xác định thân não của cậu đã ngừng hoạt động hoàn toàn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chết thân não theo hướng dẫn quốc gia. Tuy nhiên, gia đình vẫn phản đối quyết liệt chẩn đoán này và không đồng ý cho rút ống thở. Họ đệ đơn lên Tòa án Tối cao, yêu cầu tiếp tục duy trì sự sống bằng máy thở vì cho rằng con trai mình vẫn có dấu hiệu sống.
Sau nhiều vòng xét xử, tòa án ra phán quyết cho phép rút ống thở, dẫn đến cái chết của cậu bé vào tháng 8 cùng năm. Vụ việc làm bùng nổ tranh luận trên toàn quốc về quyền của cha mẹ, độ tin cậy của tiêu chí chết não và tính nhân đạo trong quyết định chấm dứt điều trị.
![]() |
Monitor theo dõi sinh tồn tại bệnh viện. Ảnh: Pexel |
Nhật Bản: Yêu cầu đồng thuận hiến tạng
Tại Nhật Bản, một người chỉ được coi là chết não khi đáp ứng hai điều kiện: chẩn đoán y khoa và đồng thuận hiến tạng. Điều này có nghĩa, nếu không có nguyện vọng hiến tạng từ trước hoặc không có sự đồng ý của gia đình, bác sĩ sẽ không tuyên bố chết não, dù về mặt y học người đó đã đủ điều kiện.
Tiêu chí chuyên môn tại Nhật Bản rất nghiêm ngặt. Bác sĩ phải thực hiện đầy đủ cả điện não đồ, đo lưu lượng máu não và đánh giá lâm sàng trong nhiều giờ. Thời gian giữa hai lần kiểm tra ít nhất là 6 tiếng, nhằm giảm thiểu khả năng nhầm lẫn hoặc sai lệch do thuốc hoặc yếu tố ngoại cảnh.
Cách tiếp cận của Nhật đặt yếu tố đạo đức và niềm tin cộng đồng lên hàng đầu. Trong xã hội Nhật Bản, nơi vấn đề hiến tạng vẫn còn nhạy cảm về mặt văn hóa và tôn giáo, việc xác định chết não không chỉ là một quyết định y học, mà còn gắn liền với các tiêu chuẩn đạo đức khắt khe.
Trung Quốc: Tiêu chuẩn quốc gia với hội chẩn bắt buộc
Năm 2013, Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn quốc gia để xác định chết não, gồm 6 bước bắt buộc. Trước tiên, bác sĩ phải xác định rõ nguyên nhân gây tổn thương não và loại trừ các yếu tố có thể hồi phục như hạ thân nhiệt hay ngộ độc thuốc. Sau đó, họ tiến hành đánh giá lâm sàng và thực hiện nghiệm pháp ngưng thở để xác nhận bệnh nhân mất toàn bộ phản xạ thân não và không thể tự thở.
Bước tiếp theo yêu cầu thực hiện ít nhất hai trong ba xét nghiệm hỗ trợ gồm: điện não đồ (EEG), điện thế cảm giác gợi lên (SEP) và siêu âm Doppler xuyên sọ (TCD). Toàn bộ quy trình được lặp lại sau tối thiểu 12 giờ và phải do ít nhất ba bác sĩ độc lập hội chẩn.
Chỉ khi cả ba bác sĩ thống nhất kết luận sau toàn bộ quy trình, bệnh nhân mới được tuyên bố chết não. Đây là một trong những mô hình nghiêm ngặt nhất thế giới.
Nhờ kiểm tra chặt chẽ, Trung Quốc hầu như không ghi nhận trường hợp nhầm lẫn chết não trong quá trình hiến tạng. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn tồn tại những lỗ hổng nghiêm trọng trong khâu giám sát thực thi. Năm 2020, một vụ bê bối tại tỉnh An Huy đã khiến dư luận rúng động khi 6 người, bao gồm 4 bác sĩ, bị kết án tù vì lấy nội tạng bất hợp pháp từ 11 bệnh nhân mà gia đình tưởng là đã hiến tạng hợp pháp.
Họ đã giả mạo giấy tờ, đưa thi thể khỏi bệnh viện giữa đêm để tiến hành lấy gan và thận trên xe tải, rồi bán cho các bệnh viện khác. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi con trai một trong các nạn nhân phát hiện đơn đồng ý hiến tạng không có hồ sơ lưu tại trung tâm quốc gia.
Sự khác biệt trong cách xác định chết não giữa các quốc gia phản ánh nhiều yếu tố: trình độ y học, đặc điểm pháp lý và quan niệm đạo đức về sự sống.
"Chết não là khái niệm y học nhưng lại được gán cho vai trò pháp lý. Khi ranh giới giữa sống và chết trở nên mơ hồ, mọi quyết định cần đặt trên nền tảng thận trọng tuyệt đối", tiến sĩ Robert Truog, Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học tại Đại học Harvard, nhận định.
Tại Mỹ, sau các vụ việc gây tranh cãi, giới lập pháp đang thúc đẩy các cải cách sâu rộng đối với mạng lưới phân phối nội tạng, trong đó có xem xét lại tiêu chí chết não.
Thục Linh (Theo Guardian, Washington Post, Guardian, BBC, Harvard)