Viêm gan mạn tính là tình trạng tổn thương gan kéo dài hơn 6 tháng, thường phát triển chậm và hầu như không gây ra các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nhiều người bị viêm gan mạn tính không có rối loạn gan cho tới khi bệnh tiến triển thành xơ gan. Chế độ ăn uống có thể hỗ trợ gan và kiểm soát các triệu chứng viêm gan sớm như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, đau bụng...
Trái cây và rau củ cung cấp cho cơ thể các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Ăn những thực phẩm giàu chất xơ giúp no lâu, giảm lượng thực phẩm kém lành mạnh như thịt mỡ hoặc đồ ngọt, giảm áp lực cho gan. Ăn rau lá xanh góp phần giảm thành phần axit béo trong gan.
Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, bớt táo bón, hỗ trợ quá trình thải độc của gan. Người bệnh viêm gan nên ưu tiên thực phẩm thuộc nhóm ngũ cốc bao gồm bánh mì nguyên cám, gạo lứt và yến mạch, thay vì ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng.
Thực phẩm giàu protein giúp người bệnh tránh nguy cơ suy dinh dưỡng và teo cơ, hỗ trợ tái tạo tế bào gan. Người bệnh nên tiêu thụ 1,2-1,5 g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Nguồn protein lành mạnh gồm các loại đậu và đậu, đậu phụ, cá béo, thịt gia cầm (bỏ da)...
Cà phê chứa caffeine góp phần làm giảm nguy cơ hình thành sẹo gan ở người bị viêm gan mạn tính. Uống hai tách cà phê nguyên chất mỗi ngày có thể giảm sẹo gan ở giai đoạn tiến triển. Tuy nhiên, người bệnh nên hỏi bác sĩ để được tư vấn lượng phù hợp tùy vào thể trạng.
Chất béo lành mạnh có trong dầu ô liu, dầu hướng dương hoặc dầu bơ cung cấp axit béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn có lợi cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, người bệnh nên tiêu thụ chất béo ở mức độ vừa phải để tránh tác động đến sức khỏe nói chung. Nạp quá nhiều chất béo bão hòa có từ món chiên rán, thịt chế biến sẵn, thịt mỡ làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ trong gan, viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan.
Hạn chế muối từ muối ăn trực tiếp hoặc lượng natri có nhiều trong thực phẩm chế biến nhiều như đồ ăn nhẹ, đồ chiên, đồ ăn tiện lợi, snack, các món ngâm, tẩm ướp. Ăn quá nhiều muối có thể tích nước, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng. Người bệnh viêm gan mạn tính nên hạn chế lượng natri tiêu thụ dưới 2.000 mg mỗi ngày.
Tránh đường vì tiêu thụ nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tác động tiêu cực đến đường huyết. Trong khi đó, tiểu đường và viêm gan có mối liên hệ mật thiết với nhau. Người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát đường huyết có nguy cơ viêm gan, gan nhiễm mỡ cao hơn. Đường có nhiều trong nước ngọt có đường, nước ép trái cây pha sẵn và các loại bánh ngọt, kẹo khác.
Tránh uống rượu vì làm tăng áp lực lên gan, tăng nguy cơ tổn thương gan, khiến viêm gan dễ chuyển biến thành xơ gan, ung thư gan.
Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và bài tiết sắt. Một số người bị viêm gan mạn tính gặp tình trạng không thể giải phóng sắt ra khỏi cơ thể đúng cách và có thể bị quá tải sắt, làm tăng nguy cơ tổn thương mô gan. Người bị viêm gan mạn tính nên giảm lượng thực phẩm giàu sắt trong chế độ ăn uống như thịt đỏ, gan, hàu...
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |