Chiều 27/5, bác sĩ Chung Tấn Định, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa sản nhi Sóc Trăng cho biết bé trai nhập viện với biểu hiện khó nói, tê tay chân, vết cắn không sưng, không chảy máu. Tuy nhiên sau đó bé chuyển nặng nhanh, lơ mơ rồi suy hô hấp.
Các bác sĩ kịp thời hỗ trợ hô hấp cho bé, đặt catheter động mạch để theo dõi huyết động liên tục; đồng thời sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất để trung hòa độc tố. Bé được xuất viện hôm nay, sau gần một tuần điều trị.
![]() |
Xác rắn hổ được người nhà đem đến bệnh viện. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Theo người nhà, hôm 21/5 bé trai đang nằm chơi trong nhà thì rắn hổ mang bò vào cắn ở gót chân. Nghe tiếng kêu la, người nhà đến đập chết con rắn và nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
"Gia đình cháu trai rất bình tĩnh, khi đến bệnh viện mang theo xác con rắn hổ mang nặng hơn 2 kg, nhờ vậy bé được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch", bác sĩ Định nói.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị rắn cắn, không nên rạch vết cắn, nặn, hút nọc, đắp lá cây hay buộc garo vì làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, xuất huyết. Nạn nhân cần được trấn an, sơ cứu đúng cách bằng cách rửa sạch vết rắn cắn, sát trùng vết thương; bất động chi bị cắn và đặt thấp hơn so với tim, nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế.
Trường hợp bị rắn hổ cắn, bệnh nhân nên quấn băng thun ngay phía trên vết rắn cắn để hạn chế nọc lan nhanh gây suy hô hấp do yếu liệt cơ.
An Minh